3 khó khăn lớn mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi xanh
Chuyển đổi xanh đang đặt ra nhiều thách thức và khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là ở Việt Nam - một quốc gia đang phát triển nhanh chóng với nền kinh tế đa dạng.
Chuyển đổi xanh là chiến lược tìm kiếm sự tối đa hoá sản lượng kinh tế, trong khi giảm thiểu gánh nặng sinh thái, đảm bảo sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và tính bền vững môi trường thông qua thay đổi căn bản trong phương thức sản xuất và tiêu dùng xã hội, hướng tới ít phát thải/trung hoà cacbon, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái.
Chuyển đổi xanh đòi hỏi và xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, đang và ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hướng tới hội nhập, phát triển bền vững và bao trùm.
Tuy nhiên, theo Báo cáo "Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh" do Ban phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện và trình Chính phủ cuối tháng 7 vừa qua, có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh. Trong đó, có 3 khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Đó là nguồn vốn để thực hiện; nhân sự có chuyên môn và các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp.
Thiếu vốn là khó khăn đầu tiên và lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh.
Trong số 2.734 doanh nghiệp mà Ban IV khảo sát, chỉ có 5,9% thông tin rằng họ không gặp khó khăn gì về vốn, trong khi đó 50% doanh nghiệp còn lại đang phải loay hoay với bài toán huy động tài chính để chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp ngành Công nghiệp; Nông, lâm và thủy sản gặp khó khăn nhiều hơn nhóm còn lại với tỷ lệ lần lượt là 53,7% và 52,9%. Doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về nguồn vốn nhiều hơn so với FDI (50,3% so với 46,6%).
Tính đến 31/12/2023, mới có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với gần 621 ngàn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng thời điểm năm 2022, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tín dụng xanh hiện nay chủ yếu tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).
Hơn nữa, nguồn tài chính quốc tế để hỗ trợ cho cam kết của Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản để có thể tiếp cận.
Khó khăn lớn thứ 2 là có tới 46,8% thiếu nhân sự có chuyên môn về giảm phát thải, chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp không biết tìm nguồn nhân lực ở đâu do giảm phát thải là lĩnh vực mới, đặc thù.
Nhiều doanh nghiệp phải tiến hành kiểm kê khí nhà kính bằng sự trợ giúp của các đơn vị tư vấn chủ yếu gồm các chuyên gia từ lĩnh vực kiểm toán năng lượng, tuy nhiên lực lượng này chưa đáp ứng đủ các yêu cầu của kiểm kê khí nhà kính.
Chẳng hạn, một số công ty thép, kết cấu thép được khảo sát cho biết, không dễ tìm được chuyên gia tư vấn về giảm phát thải ngành thép để chuẩn bị trước cho việc tuân thủ CBAM. Đây hiện đang là thách thức với doanh nghiệp tất cả các ngành bao gồm cả doanh nghiệp FDI và trong nước.
Khó khăn lớn thứ 3 của doanh nghiệp là tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật cụ thể để chuyển đổi xanh. Có tới 44,2% chưa tìm được giải pháp công nghệ phù hợp, chỉ có 6,3% được khảo sát cho biết là không gặp khó khăn trong vấn đề này.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra việc triển khai tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc như chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn và bên vay đòi hỏi lãi suất ưu đãi. Với trái phiếu xanh, còn thiếu các hướng dẫn chi tiết của các cơ quan chức năng (thông tin, tiêu chí về dự án xanh); cơ chế quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn; khung pháp lý…).
Ngoài ra, trong việc kiểm kê khí nhà kính, khó tìm kiếm các đơn vị tư vấn/thẩm định đủ năng lực, được công nhận và có mức giá hợp lý cũng là một rào cản lớn trong quá trình giảm phát thải.
Một khó khăn nữa được nhắc tới đó là xây dựng và xác định chiến lược giảm phát thải, chuyển đổi xanh. Nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt được yêu cầu phải giảm phát thải và đã bắt đầu tiến hành chuyển đổi nhưng không biết phải “bắt đầu từ đâu”. Có tới 36,4% doanh nghiệp phải đối diện với khó khăn “không biết phải bắt đầu từ đâu” này, trong đó doanh nghiệp khu vực công nghiệp có tỷ lệ khó khăn cao nhất (39,2%), khu vực Xây dựng, Dịch vụ có tỷ lệ khó khăn thấp hơn, khoảng 34%.
An Mai (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.