3 kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ để vượt "bão" COVID-19

Cộng tác viên
06:17 PM 24/04/2020

Sau hai tháng gồng gánh chi phí để duy trì hoạt động, đến nay các hệ thống chuỗi nhà hàng kinh doanh ẩm thưc (F&B) đã chạm đến giới hạn của sự chịu đựng.

    Mới đây, một số chuỗi lớn tại Việt Nam như Golden Gate, The Coffee House, Aka House, Dairy Queen, Otoke Chicken, Guardian, Coffee Club, nhà hàng Hoàng Yến, 30Shine, Thế Giới Di Động, Kids Plaza… đã đứng ra làm một bản kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính Phủ, Ngân hàng nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài chính.

    Nguy cơ phá sản nếu không được hỗ trợ kịp thời

    Theo các doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ, các chuỗi hầu như không có khách hàng từ tháng 2 và phải đóng cửa từ ngày 26-3. Điều này gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt là tại Hà Nội, TPHCM, khi các cửa hàng hầu như không có doanh số, song vẫn phải gánh chịu các chi phí như tiền thuê mặt bằng, lương và phúc lợi nhân viên.

    Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Golden Gate đã phải tạm dừng hoạt động của hàng loạt nhà hàng.

    “Các chuỗi đã chủ động và tích cực đàm phán với các đối tác cho thuê mặt bằng về các biện pháp hỗ trợ như điều chỉnh giá thuê mặt bằng, giãn tiến độ thanh toán…Tuy vậy, phần lớn đối tác không xác định đại dịch COVID-19 là một sự bất khả kháng và yêu cầu doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền thuê, phí dịch vụ đầy đủ cho thời gian tạm dừng kinh doanh do dịch COVID-19”, văn bản nêu rõ.

    Các doanh nghiệp cũng linh hoạt cầm cự bằng việc đẩy mạnh bán hàng trực tuyến nhưng hình thức này, chưa thể bù đắp được doanh thu sụt giảm của kênh truyền thốn,. Thêm vào đó, một số cơ quan quản lý địa phương không xác định việc kinh doanh trực tuyến này là hoạt động được phép thực hiện trong khoảng thời gian cách ly dù doanh nghiệp đã tuân thủ đầy đủ quy định về phòng và chống dịch bệnh.

    “Dịch COVID-19 còn khiến các doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ đột ngột mất thanh khoản dòng tiền, rơi vào tình thế không thể thanh toán tiền mặt như điều kiện kinh doanh bình thường. Nếu không có phương án cho dòng tiền, các doanh nghiệp bán lẻ và địch vụ đứng trước nguy cơ phá sản rất cao. Điều này khiến cho không chỉ hàng triệu lao động mất việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập của hàng triệu gia đình, mà hệ lụy tới hàng ngàn doanh nghiệp là nhà cung cấp, đối tác chiến lược cũng bị suy thoái theo và nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.”, văn bản ghi rõ.

    3 kiến nghị của các chuỗi bán lẻ và dịch vụ

    Đầu tiên, xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng. Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 447/QD-TTg về việc công bố dịch Covid-19.

    Ngay sau khi dịch Covid-19 xảy ra các doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết trong khả năng nhưng không khắc phục được thiệt hại cho dịch Covid-19 gây ra.

    Căn cứ các điều kiện trên, có thể xác định dịch Covid-19 thỏa mãn các điều kiện của sự kiện bất khả kháng đối với các doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ. Tuy nhiên, để đồng nhất cách hiểu cho các bên và tránh các tranh chấp phát sinh khi xử lý các vấn đề của thỏa thuận thuê mặt bằng kinh doanh, kính đề nghị Chính phủ xem xét và xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng.

    Thứ hai, Chính phủ hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về tài chính, như giảm 50% giá các dịch vụ tiện ích như điện, nước cho các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ đến 31/12/2020; miễn 50% thuế giá trị gia tăng thu được và hoãn nộp thuế giá trị gia tăng phải nộp (50%) đến ngày 31/12/2020; hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong năm 2020 đến hết 31/12/2020; hoãn nộp các loại bảo hiểm bắt buộc phát sinh trong năm 2020 đến hết ngày 31/12/2020.

    Đặc biệt, Chính phủ có thể hỗ trợ chi trả: 1,8 triệu đồng/người/tháng đối với các trường hợp là người lao động của doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ, tuy vẫn còn còn việc làm nhưng thu nhập sụt giảm nghiêm trọng vì thời gian làm việc đã bị cắt giảm xuống dưới 104 giờ/tháng, do dịch Covid-19.

    Cuối cùng, chấp thuận hoạt động mua bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi và mua hàng mang đi trong thời gian cách ly.

    Thống nhất việc cho phép thực hiện hoạt động mua bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi, mua hàng mang đi tại tất cả các tỉnh thành phố trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 với điều kiện doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ quy định về phòng chống dịch bệnh.

    Về đề xuất việc đưa COVID-19 vào nhóm sự kiện bất khả kháng, điều này có thể giúp tác động gián tiếp lên số tiền thuê mặt bằng các chuỗi bán lẻ, thực phẩm phải trả.

    Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa thuộc văn phòng luật sư X trực thuộc công ty Luật TNHH LSX, nếu trường hợp COVID-19 được coi là một sự kiện bất khả kháng, và các công ty chứng minh được việc doanh thu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì sẽ có lợi hơn khi đưa ra xét xử trong trường hợp không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền thuê mặt bằng.

    Điều 351 Bộ luật dân sự năm 2015 có qui định: "Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có qui định khác". Ở đây, ông Nghĩa giải thích việc có lợi hơn, có nghĩa là các doanh nghiệp vẫn phải thanh toán đầy đủ nghĩa vụ tiền thuê, nhưng sẽ có thể được miễn trách nhiệm dân sự (như phạt vi phạm hợp đồng, phạt thanh toán chậm...). Ngoài ra các doanh nghiệp có thể trả tiền thuê vào kì thanh toán kế tiếp, hoặc tạm dừng hợp đồng cho thuê.

    Khi được hỏi liệu các doanh nghiệp có cách nào giảm tiền thuê mặt bằng, ông Nghĩa cho rằng đây là điều hoàn toàn có thể.

    Điều 488 trong Luật dân sự 2015 cũng có qui định: "Khi giao kết hợp đồng thuê khoán, các bên có thể thỏa thuận điều kiện về việc giảm tiền thuê khoán; nếu hoa lợi, lợi tức bị mất ít nhất là một phần ba do sự kiện bất khả kháng thì bên thuê khoán có quyền yêu cầu giảm hoặc miễn tiền thuê khoán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".

    Do đó, trong trường hợp các chuỗi bán lẻ và doanh nghiệp thực phẩm chứng minh được bản thân nằm trong nhóm được điều chỉnh bởi điều 488, có thể đàm phán với chủ mặt bằng để giảm giá. Dù vậy, đàm phán vẫn nên là ưu tiên hàng đầu cho các bên, chứ không phải việc kiện tụng tại tòa.

    "Dù theo điều 351 hay 488, qui định ở đây đều là vấn đề thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì hai bên lại phải đưa nhau ra tòa để có một phiên phán xét xem bên nào là bên đúng", ông Nghĩa kết luận.

    Thành lập Liên minh F&B Việt Nam thời COVID-19

    Giữa tháng 4, Liên minh F&B Việt Nam thời COVID-19 vừa mới ra mắt với sự tham gia của gần 2.000 thành viên, trong đó có nhiều chuỗi nhà hàng lớn và quán ăn nhỏ lẻ. Đây là sự “hiệp lực” đầu tiên giữa các đối thủ để cùng nhau tìm cách đối phó với dịch COVID-19. Bởi phần lớn các doanh nghiệp này điều phải đóng cửa các chuỗi nhà hàng, mọi khó khăn đều tương đồng nên phải bắt tay nhau tìm ra hướng đi tốt nhất.

    Trong thời gian hạn chế kinh doanh này, các chuỗi nhà hàng ngồi lại với nhau để chia sẻ những giải pháp kinh doanh ngắn hạn để tồn tại qua mùa dịch. Thông qua liên minh này cũng có nhiều ý tưởng hay để các doanh nghiệp áp dụng triển khai tức thời. Ví dụ như các chuỗi The Coffee House, Vua Cua… có thêm ý tưởng đưa ra các gói sản phẩm mới trong thời gian vừa qua.

    Ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc Khối vận hành của Tập đoàn Golden Gate, cho rằng ý tưởng xây dựng một liên minh F&B từ khá lâu, nhưng đến nay các doanh nghiệp mới bắt tay vào thực hiện. Các chủ doanh nghiệp, nhân sự trong ngành đều hiểu và ủng hộ và ý thức được rằng cần phải chủ động chung tay cứu lấy ngành, cứu lấy mình trước đại dịch.

    Thực tế, trong một cộng đồng gồm nhiều đơn vị cùng cạnh tranh trong thị trường khốc liệt như F&B, nên cũng có một số đơn vị e ngại vì nhiều thông tin là bí mật của doanh nghiệp, không thể chia sẻ công khai. Tuy nhiên liên minh này sẽ mang lại giá trị tích cực khi hỗ trợ thông tin về các dịch vụ liên quan, văn bản hướng dẫn, hay kinh nghiệm làm sao để bảo vệ sức khỏe cho khách hàng và nhân viên để họ tồn tại qua giai đoạn này.

    Theo Enternews

    Ý kiến của bạn
    Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

    Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.