3 nhiệm vụ phát triển tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam
Chính phủ đưa ra 3 nhiệm vụ để thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: Nhiệm vụ thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Nhiệm vụ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về hàng hải; Nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng.
Ngày 24/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 886/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời xác định các nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án cụ thể triển khai thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 phù hợp với điều kiện của các bộ, ngành, địa phương. Xác định rõ phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện.
Định hướng cho các bộ, ban ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc xây dựng kế hoạch, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn.
Quyết định đưa ra ba nhiệm vụ thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: Nhiệm vụ thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Nhiệm vụ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về hàng hải; Nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiên cứu đề xuất sửa đổi Bộ luật Hàng hải 2015 theo lộ trình và theo trình tự, thủ tục; rà soát, sửa đổi các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan tạo thuận lợi cho phát triển, quản lý, sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng hàng hải.
Tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giá, phí tại cảng biển để nâng cao hiệu quả đầu tư cảng biển, tăng tính hấp dẫn đối với các hãng tàu, thu hút hàng container trung chuyển quốc tế, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và các bên liên quan.
Rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế chính sách để thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch cảng biển, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng địa phương.
Đồng thời, tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Triển khai lập các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành hàng hải, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển để triển khai phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và kết cấu hạ tầng hàng hải liên quan khác trong thực tiễn...
Để thực hiện quy hoạch, Chính phủ đưa ra một số giải pháp như: Thu hút nguồn vốn cho phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm quốc phòng - an ninh; cơ chế, chính sách đột phá trong huy động nguồn lực tổ chức thực hiện các quy hoạch.
Thương Huyền (t/h)Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.