3 nhóm và có 9 biểu hiện báo hiệu sức khoẻ tâm thần của trẻ có vấn đề: Cha mẹ cần đặc biệt chú ý trước khi cho con trở lại trường học
Do thời gian học online quá dài, hầu hết các em học sinh sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều đến sức khoẻ tâm thần và khó bắt nhịp trở lại khi học tại trường.
Ngày 4/4, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quyết định trên theo tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, học sinh lớp 1-6 học trực tiếp, có thể học hai buổi trên ngày và ăn bán trú, tùy theo kế hoạch của trường và sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Trẻ mầm non tiếp tục ở nhà.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận định, hiện nay tình hình Covid-19 tại thành phố đã có chuyển biến tích cực, số F0 là học sinh, giáo viên giảm mạnh. Trong hai ngày 2-3/4, Sở đã tổ chức khảo sát phụ huynh lớp 1-6 về việc cho con trở lại trường. Kết quả, hơn 75% ý kiến đồng thuận, nhiều quận, huyện có tỷ lệ nhất trí trên 90%.
3 nhóm học sinh bị ảnh hưởng nặng sức khỏe tâm thần
Trước thực trạng các em học sinh phải học online trong thời gian quá dài thì việc sức khoẻ, tâm lý bị ảnh hưởng là điều dễ hiểu. Theo báo cáo Tác động của đại dịch COVID-19 đối với tình trạng sức khỏe tâm thần kém ở trẻ em và thanh thiếu niên của UNICEF chỉ ra: "Cứ 7 em thì có ít nhất 1 em trong tổng số trẻ em trên toàn cầu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỉ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai".
Khi quay trở lại trường học, các thói quen sinh hoạt thường ngày sẽ bị xáo trộn. Các em phải dậy sớm hơn, thói quen ăn uống phải thay đổi, áp lực bài vở bị dồn nén nhất là các học sinh chuẩn bị chuyển cấp.
Chia trẻ trên Sức khỏe và Đời sống, ThS.BS Nguyễn Viết Chung – Khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E), Giảng viên Trường ĐH Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, có 3 nhóm trẻ cần phải được phụ huynh đặc biệt quan tâm đến sức khỏe tâm thần khi trở lại trường gồm:
Trẻ bị nghiện game sau thời gian dài học online
Những trẻ có sẵn tình trạng nghiện game: Việc học trực tuyến tạo điều kiện cho trẻ chơi game nhiều hơn, nhiều trẻ bỏ bê việc học chỉ tập trung vào game. Do vậy khi quay trở lại trường học, trẻ không chịu đi học, liên tục trốn học để chơi game. Nếu bị bố mẹ thầy cô xử phạt, trẻ sẽ có hành vi không phù hợp như bỏ làm bài, làm việc riêng trên lớp, nói chuyện riêng, chống đối...
Những trẻ hay có xu hướng bị bắt nạt tại trường: Những trẻ có tính cách nhút nhát, ngoại hình không được tốt (quá mập, thấp bé), hay trẻ có vấn đề về nhận dạng giới tính, khó giao tiếp, tiếp xúc với người khác… dễ bị bắt nạt tại trường học. Với những trường hợp này, trẻ sẽ thích học online hơn là đến trường nên cha mẹ cần hết sức lưu ý.
Những trẻ bị rối loạn sự thích ứng: Sau hai năm học trực tuyến, lượng học sinh duy trì được lực học tốt không nhiều, mà lượng sa sút về học tập lại gia tăng. Chính vì thế nhiều trẻ sợ đi học, sợ bị thầy cô kiểm tra, sợ phải làm bài tập nhiều… dẫn đến trẻ bị căng thẳng, stress, lo âu về việc học kém và sa sút của mình.
Do vậy, nếu trẻ đi học có các dấu hiệu mệt, chóng mặt, giấc ngủ kém thì đó là những phản ứng lại với stress, lo âu. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ không tập trung vào việc học được và còn có thể gây một số bệnh lý về tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm…
Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, các biểu hiện trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên khá đa dạng, không điển hình. Trong đó, các biểu hiện chung thường gặp là:
- Tâm trạng cáu kỉnh hoặc thất thường (gắt gỏng, thù địch, dễ nổi cáu bộc phát…), tránh né việc đi học.
Trẻ bị trầm cảm sẽ gây nên những hệ quả khôn lường
- Giảm hoặc mất hứng thú kéo dài với các hoạt động giải trí được yêu thích trước đây (ví dụ: bỏ các hoạt động thể thao, âm nhạc, vẽ,..).
- Không muốn đi ra ngoài, rút lui xã hội, không tham gia các hoạt động trên lớp hoặc không còn muốn đi chơi với bạn bè.
- Suy giảm kết quả học tập, than phiền không tập trung, hay quên.
- Thay đổi giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngủ nhiều.
- Thường xuyên có các phàn nàn không giải thích được như cảm giác mệt mỏi, đau đầu, đau dạ dày,…
- Xuất hiện các vấn đề về hành vi (ví dụ: trở nên cố chấp hơn, trốn khỏi nhà, bắt nạt người khác).
- Có các suy nghĩ tiêu cực, ý tưởng hoặc hành vi tự tử; lạm dụng rượu hoặc các chất kích thích khác
- Cảm giác vô dụng (tức là cảm thấy bị từ chối và không được yêu thương) hoặc tội lỗi quá mức hoặc không thích hợp.
Cha mẹ cần chuẩn bị gì để trẻ quay trở lại trường tốt nhất?
Trước khi đến trường, cha mẹ cần tách các em học sinh khỏi các thiết bị điện tử, các trò chơi qua mạng, chơi game… Việc này cần thực hiện từ từ, theo giới hạn thời gian cho phép, để trẻ không phản ứng mà hợp tác với người lớn trong cải thiện thói quen của bản thân.
Cha mẹ hãy kéo trẻ ra khỏi thế giới online
Rèn lại cho trẻ có giờ giấc ngủ hợp lý, số lượng giờ ngủ khoa học trong ngày như sau: Trẻ mầm non (10 - 13 giờ), tiểu học THCS (9 - 11 giờ), THPT (8 - 10 giờ). Đặc biệt, nên ngủ trưa dù ngắn cũng giúp các em tỉnh táo và học bài hiệu quả vào buổi chiều. Buổi tối nên đi ngủ vào khoảng 21h để não trẻ được nghỉ ngơi, qua đó giúp trẻ có thể thức dậy sớm vào sáng hôm sau để chuẩn bị cho một ngày mới học tập hiệu quả hơn. Không cho trẻ dùng thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ.
Thiết kế chế độ ăn cho trẻ đầy đủ dưỡng chất theo nguyên tắc "my plate", trong đó chú trọng chất đạm (ưu tiên đạm quý có giá trị sinh học cao như thịt, cá, trứng, sữa...), rau xanh, trái cây cùng với lượng tinh bột vừa phải, hạn chế thực phẩm nhiều đường đơn (bánh kẹo ngọt, nước ngọt…), thức ăn nhanh chiên rán với dầu mỡ có nhiều axit béo bão hòa.
Cha mẹ cần đồng hành cùng con trong các hoạt động thể chất, vui chơi; khuyến khích trẻ giao tiếp cùng mọi người xung quanh; tăng cường tập thể dục, chạy bộ mỗi ngày để tinh thần sảng khoái hơn.
Nguyễn PhượngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.