3 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,9%
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu tại các thị trường lớn phục hồi. 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước tính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 3/2024 ước đạt 1,12 tỷ USD, tăng 46,3% so với tháng 2/2024, nhưng giảm 1,9% so với tháng 3/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 749 triệu USD, tăng 57,8% so với tháng 2/2024, nhưng giảm 3,9% so với tháng 3/2023.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024.
Trong đó, nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Anh và các thị trường trong khối EU… đang có sự phục hồi đã đem lại sự lạc quan cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là điểm đến lớn nhất đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam. Hai tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 51,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng với những triển vọng tươi sáng tại thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, ngành gỗ Việt Nam đang phấn chấn hướng đến mục tiêu 16 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024.
"Điều này mang lại một làn gió mới cho ngành xuất khẩu gỗ. Chúng tôi kỳ vọng rằng tồn kho tại các quốc gia sẽ dần được giải quyết, và nhu cầu của khách hàng sẽ tiếp tục phục hồi", ông Nguyễn Liêm, CEO của CTCP Lâm Việt và Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương (BIFA) chia sẻ tại diễn đàn “Ngành gỗ và nội thất Việt Nam năm 2024”.
Các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực mở rộng thị trường mới, đa dạng kênh bán hàng để bảo đảm chỉ tiêu cả năm.
Tuy nhiên, ông Liêm cũng chỉ ra thị trường hiện tại không giống như những gì chúng ta từng thấy. Trước đây, các nhà mua hàng sỉ có thể đặt hàng lớn và bán dần, nhưng với sự lạm phát và lãi suất hiện tại cao ngất ngưởng, họ trở nên cẩn trọng hơn, chỉ đặt hàng theo từng tuần, tháng hoặc quý.
Do vậy, dù nhận thấy những tín hiệu tích cực, các doanh nghiệp cần thận trọng trước những biến động khó lường của thế giới. Doanh số xuất khẩu trong năm 2024 có thể chỉ ở mức tương đương với năm trước.
Theo các chuyên gia, dù còn đối mặt với nhiều bất ổn, ngành gỗ Việt Nam vẫn đủ sức mạnh để vượt qua thách thức. Dự báo ngành gỗ sẽ có một năm 2024 ổn định, trở lại mạnh mẽ về tăng trưởng trong năm 2025.
Huyền My (t/h)Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.