3 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả Việt Nam dự kiến đạt gần 1,25 tỷ USD
Ước tính sơ bộ, chỉ trong 3 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã đạt gần 1,25 tỉ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 3/2024 xuất khẩu rau quả đạt 433 triệu USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 3 tháng đầu năm nay đạt 1,25 tỉ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt con số 1 tỉ USD ngay trong quý đầu tiên của năm. Điều này cho thấy ngành rau quả có nhiều triển vọng tăng trưởng trong thời gian sắp tới. Các thị trường tiêu thụ quan trọng vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản…
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký VINAFRUIT cho biết: Trong quý đầu năm nay, các mặt hàng xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam vẫn là thanh long, chuối và xoài cùng sự đóng góp quan trọng của sầu riêng vụ nghịch.
"Sầu riêng chính vụ ở miền Tây sẽ bắt đầu thu hoạch vào tháng 4 - 5. Với sự thuận lợi của thị trường hiện tại, kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng mạnh. Năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng đạt đỉnh điểm vào 2 giai đoạn; đợt 1 vào là tháng 5 - 6 với vụ thu hoạch rộ ở miền Tây và đợt 2 là tháng 9 - 10 với sầu riêng Tây nguyên, chủ yếu ở Đắk Lắk. Dự kiến, đây cũng là những thời điểm quan trọng của sầu riêng Việt Nam trong năm nay", ông Nguyên phân tích.
Đáng chú ý, Thái Lan tăng mua sầu riêng của Việt Nam giúp thị trường này vươn lên vị trí số 4 về nhập khẩu rau quả của Việt Nam.
Cập nhật đến hết tháng 2, trong Top 10 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam, Thái Lan tăng trưởng rất cao ở mức 125,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 28,6 triệu USD, đưa thị phần của Thái Lan tăng từ 2% lên gần 4%.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Thái Lan rất mạnh về du lịch, khách Trung Quốc đến rất nhiều và họ rất thích ăn sầu riêng. Thế nhưng sầu riêng nội địa Thái Lan chỉ rộ khoảng 4 tháng mỗi năm còn Việt Nam có hàng quanh năm nên họ nhập hàng về để phục vụ du khách.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả 3 tháng đầu năm ước đạt gần 500 triệu USD tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả có thể đạt 6,5 tỷ USD. Nếu thuận lợi có thể đạt 7 tỷ USD, cao hơn mục tiêu đề ra 6 tỷ USD. Tuy nhiên hiện nhiều thị trường trong đó có Âu - Mỹ khó khăn. Để đạt được mục tiêu này, ngành rau củ quả chuyển hướng về thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các doanh nghiệp trong ngành phải tranh thủ thời cơ, chủ động ổn định thị trường truyền thống. Đồng thời giải quyết vấn đề cần và đủ để mở rộng thị trường mới. Cũng như thông qua việc tổ chức sản xuất hiệu quả, tăng cường thông tin dự báo, giảm vai trò trung gian để tăng giá trị trong giao dịch...
"Song song đó, chúng ta cần xác định những mặt hàng trọng điểm chiến lược để có những giải pháp về thị trường, công nghệ và sản xuất. Đơn cử như vấn đề mặt hàng sầu riêng, bưởi, dừa… Đây là những mặt hàng có nhiều triển vọng, cùng với đó là nhiều mặt hàng khác có tiềm năng rất lớn để phát triển" - ông Cường nhấn mạnh.
Năm 2024 dự báo sẽ rất nhiều thuận lợi, đặc biệt thị trường Trung Quốc. Bởi hiện tại quốc gia này đã mở cửa hầu như các cửa khẩu, đường mòn lối mở, thậm chí là đang muốn hợp tác để thúc đẩy việc làm cửa khẩu thông minh để tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu rau quả với Việt Nam. Chính vì vậy việc năng cao năng lực cung ứng, giao dịch trực tiếp kể cả bắt tay với các quốc gia có chung thị trường cũng là hướng đi linh hoạt gia tăng giá trị, giảm rủi ro, để tiêu thụ hiệu quả nông sản trong thời gian tới.
Huyền My (t/h)Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.