37 dự án nhà ở xã hội muốn vay gói 120.000 tỷ đồng
Bộ Xây dựng cho biết hiện có 37 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ tại các địa phương đủ điều kiện và có nhu cầu vay khoảng 18.000 tỷ đồng từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết hiện có 105 dự án đã được cấp phép, đang đầu tư thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng.
Đến giữa tháng 7, có 37 dự án với tổng mức đầu tư trên 42.460 tỷ đồng, đủ điều kiện vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Gói tín dụng 120.000 tỷ được triển khai từ đầu tháng 4 nhằm hỗ trợ cho vay chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay trung và dài hạn trên thị trường. Đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước cho biết, một số nhà băng bắt đầu cho vay gói ưu đãi này.
Bộ Xây dựng cũng cho biết 5 năm qua đã có 41 dự án nhà ở xã hội, quy mô 19.516 căn được xây dựng. Hiện 294 dự án, quy mô gần 288.500 căn đang được các doanh nghiệp triển khai tại các địa phương.
Nửa đầu năm nay, 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được khởi công sẽ cung ứng cho thị trường 818.700 căn. Trong đó, nhà ở xã hội có 6 dự án quy mô 7.730 căn, tập trung tại Hải Phòng (4 dự án), Hà Nội và Lâm Đồng mỗi địa phương 1 dự án; còn 3 nhà ở công nhân tại Hải Phòng, Bình Định và Bắc Giang.
Hành lang pháp lý phát triển nhà ở xã hội tương đối đầy đủ, song Bộ Xây dựng thừa nhận nhiều tồn tại cần giải quyết để phân khúc này phát triển. Chẳng hạn trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán phức tạp, kéo dài; hay các địa phương cũng chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; thủ tục hành chính, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất kéo dài, giảm sức hút đầu tư vào phân khúc nhà ở này.
Quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm sử dụng, song thực tế nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này. Việc đó dẫn tới thực trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi chủ đầu tư không được bán, không thu hồi được vốn.
Các địa phương cũng chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Thủ tục hành chính, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất kéo dài, giảm sức hút đầu tư vào phân khúc nhà ở này.
Bộ Xây dựng cho biết, cơ chế về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chọn chủ đầu tư và chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp tới đây sẽ được hoàn thiện khi cơ quan này trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi) và Đấu thầu (sửa đổi).
Huyền My (t/h)Theo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.