4 bài học của May 10 để doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Ngành dệt may đã trải qua nửa đầu năm 2023 vô cùng trầm lắng. Để cùng vượt qua khó khăn, ông Thân Đức Việt Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã chia sẻ 4 bài học quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp dệt may nói riêng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp", do Thời báo Ngân hàng tổ chức dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, thời gian qua, ngành Ngân hàng nhận được nhiều ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng, các chuyên gia và đặc biệt là những chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân, góp phần cùng các cấp, các ngành, các địa phương, các hiệp hội, ngành nghề giải quyết "bài toán" tăng sức hấp thụ vốn cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.
Đối với NHNN, rất nhiều năm qua mới điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh khó khăn như năm nay. Tăng lãi suất hay giảm lãi suất; cung tiền ra nhiều hay ít; làm thế nào để tăng tín dụng, hài hòa giữa chất lượng và số lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia… đều là những vấn đề NHNN phải lưu ý và điều hành. Sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ quyết định sự an toàn, lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ rất khó của NHNN.
Đại diện Hiệp hội ngân hàng cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 60.200 doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9% và 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 100.000, tăng 19,7%.
Doanh nghiệp khó khăn đã tác động và ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng, thể hiện trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành ngân hàng có tốc độ huy động vốn khoảng 4% và tăng trưởng tín dụng khoảng 4,3%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm qua.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị giảm. Dệt may cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Theo đó, ngành dệt may đã trải qua nửa đầu năm 2023 vô cùng trầm lắng với hoạt động sản xuất và xuất khẩu suy giảm rất sâu, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí bán đi một phần tài sản.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành mới đạt 14,35 tỷ USD (dệt may 12,32 tỷ USD, giảm 17,8%; xơ sợi 1,73 tỷ USD, giảm 27%; vải mành, vải kỹ thuật khác giảm 20,7% so với cùng kỳ). Còn số liệu mới nhất đến ngày 15/6 được Tổng cục Hải quan công bố, xuất khẩu dệt may đến giữa tháng 6 giảm 15,3%, tương đương giảm gần 2,5 tỷ USD về con số tuyệt đối, đạt 14,12 tỷ USD.
"Là doanh nghiệp dệt may lớn trong nước, nhưng Tổng công ty May 10 cũng không tránh khỏi những khó khăn chung của toàn ngành. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, với những nỗ lực, quyết tâm của toàn thể ban lãnh đạo, bằng một loạt biện pháp, đến nay, hơn 12 nghìn người lao động trực thuộc May 10 và công ty liên doanh liên kết chưa phải nghỉ việc một ngày nào, đây được coi là thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung.
Cụ thể đối với May 10, các đơn hàng xuất khẩu cho các thị trường truyền thống sụt giảm khá lớn từ 20-30% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2022, là năm thế giới mới bước ra từ đại dịch nhưng vẫn giữ được sự tăng trưởng đáng kể, lên đến 30%", Tổng Giám đốc May 10 chia sẻ.
Ông Thân Đức Việt cho biết, để vượt qua khó khăn, Ban Lãnh đạo công ty May 10 đã sử dụng mọi biện pháp, đặc biệt là trong nỗ lực tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng mới, cùng với đó, tập trung vào thị trường trong nước với 100 triệu dân. Cụ thể, bộ phận kinh doanh xuất khẩu đang tập trung tìm kiếm thêm thị trường phi truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan, Canada. Năm 2023, có thêm thị trường như Úc, Trung Quốc, Thái Lan, Philipines là những thị trường mà May 10 chưa tiếp cận bao giờ, ngoài thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Nhờ sự năng động và đổi mới, 6 tháng đầu năm 2023, May 10 vẫn lo đủ việc làm cho người lao động. Ngoài thị trường xuất khẩu, May 10 cũng là một trong số ít những đơn vị ngành may tham gia kinh doanh thời trang công sở trong nước và được người tiêu dùng tin tưởng trong suốt hơn 30 năm qua. Chính vì vậy, khi thị trường xuất khẩu gặp khó, thì thị trường nội địa trở thành cứu cánh, tăng 30% so với cùng kỳ.
Để nỗ lực vượt qua khó khăn, ông Thân Đức Việt nêu 4 bài học quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp dệt may nói riêng.
Thứ nhất, thị trường và khách hàng. May 10 có đủ nguồn lực cho công tác thị trường và phát triển mẫu, chính vì vậy dù thị trường khó khăn nhưng May 10 cũng đã mở rộng được nhiều thị trường, khách hàng mới, thậm chí nhiều khách hàng cũ khó khăn cắt giảm đơn hàng nhưng vẫn ưu tiên May 10. Vì vậy, việc có một đội tìm kiếm quản lý phát triển thị trường và các sản phẩm mẫu hướng tới xuất khẩu là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp không thể bị động ngồi chờ đơn hàng.
Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Trong khó khăn, con người là "tài sản" quý giá nhất, bằng mọi nỗ lực phải giữ chân được người lao động, bảo đảm việc làm cho người lao động, kêu gọi họ chia sẻ với doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện nay lao động của May 10 không những không giảm mà còn tăng. Đó là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và sẵn sàng bứt phá khi thị trường hồi phục.
Thứ ba, là nâng cao năng lực quản trị. Trong năm 2023, May 10 đã rất linh hoạt trong tổ chức sản xuất, sắp xếp đơn hàng, nguyên phụ liệu… đảm bảo thích ứng nhanh, khi thị trường biến động. Nếu trước đây, đơn hàng phải chuẩn bị trước 3 tháng, giờ có khi chỉ trước 1- 1,5 tháng, với quy mô trên 12.000 người, đang hoạt động ở 18 nhà máy ở 8 tỉnh thành phố khác nhau.
Thứ tư, là cắt giảm các chi phí không cần thiết, kể cả chi phí hữu hình và vô hình, như nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, thời gian lãng phí không trực tiếp đưa vào sản xuất, giải quyết triệt để câu chuyện tối ưu chi phí.
"Trong thời gian tới, tình hình thế giới cũng như trong nước dự báo vẫn còn nhiều biến động, khó đoán định chính xác.
Theo các khách hàng lớn của May 10 tại Mỹ và châu Âu, có ba kịch bản về thời gian phục hồi được đưa ra: Một là vào cuối năm nay; hai là bắt đầu sau 6 tháng đầu năm 2024; thứ ba là cuối năm 2024. Mong muốn của May 10 là kịch bản thứ nhất sẽ xảy ra. Tuy nhiên, dù thị trường có nhiều biến động nhưng May 10 hy vọng sẽ trụ vững để vượt qua khó khăn", Tổng Giám đốc May 10 nói.
Nhật HàTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.