4 định hướng trong điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng
09:30 AM 11/05/2023

Năm 2023, NHNN điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2023 ngày 10/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà chia sẻ, nếu các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp ở mức chấp nhận được thì nền kinh tế sẽ tốt lên.

Tuy nhiên, nếu hoãn, giãn nợ, nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ bị chuyển về phía ngân hàng. Do vậy cần tìm được điểm hài hoà, vẫn hỗ trợ cho nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Theo ông Phạm Thanh Hà, ngành Ngân hàng mong muốn lãi suất ổn định, lãi suất thấp, cân bằng các mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiềm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, hướng đến mục tiêu chung dài hạn ổn định hệ thống tài chính ngân hàng.

4 định hướng trong điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà

Bà Dương Thị Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, cho biết, từ ngày 10/3, để thực hiện mục tiêu tăng cung tiền, giảm lãi suất, NHNN đã tăng khối lượng và kéo dài kỳ hạn chào mua giấy tờ có giá trên nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày để phát tín hiệu sẵn sàng cung ứng vốn cho thị trường tiền tệ. 

Bên cạnh đó, NHNN đã điều chỉnh giảm hai lần các mức lãi suất với mức giảm 0,3-1%/năm trong tháng 3 và 4/2023. 

NHNN cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và của Chính phủ tại Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11. 

Năm 2023, NHNN điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đến ngày 28/4, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12 triệu tỷ đồng, tăng 3,05% so với cuối năm 2022 và tăng 9,78% so với cùng kỳ. 

Cũng theo bà Bình, từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối (trên 6 tỷ USD), đồng thời kết hợp với việc hủy thực hiện bán ngoại tệ theo các giao dịch kỳ hạn cho các tổ chức tín dụng với tổng giá trị lên đến 2,24 tỷ USD. 

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, năm 2023, NHNN vẫn sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến vĩ mô, thị trường, các vụ việc liên quan đến khó khăn, đổ vỡ một số ngân hàng quốc tế, điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.

4 định hướng trong điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 2.

NHNN điều hành linh hoạt các công cụ CSTT nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm nhiều thách thức với điều hành CSTT tới từ diễn biến phức tạp của cả kinh tế thế giới lẫn trong nước. Kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc, lạm phát dù đã có dấu hiệu qua đỉnh nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nước, nhiều NHTW vẫn duy trì lộ trình tăng lãi suất, giá hàng hóa thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến động mạnh. 

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế trong nước cũng đứng trước những rủi ro ngày càng tăng khi cầu thế giới suy giảm tác động tiêu cực lên các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, áp lực lạm phát vẫn còn cao ngay từ đầu năm, các hoạt động đầu tư, tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn. 

Theo đó, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến vĩ mô, thị trường, các vụ việc liên quan đến khó khăn, đổ vỡ một số ngân hàng quốc tế, điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ CSTT nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.

Thứ nhất, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống TCTD với chi phí hợp lý để chủ động, sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế. Tái cấp vốn đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu; Điều hành công cụ DTBB phù hợp với diễn biến kinh tế, tiền tệ, các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thứ hai, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, can thiệp thị trường khi cần thiết, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. 

Thứ tư, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng 14-15% cả năm 2023; chỉ đạo TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn