4 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước bằng 45,7% dự toán
Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 645.300 tỷ đồng, đáng chú ý thu từ dầu thô ước đạt gần 24.100 tỉ đồng, bằng 85,4% dự toán và tăng 93,4% so với cùng kỳ năm trước do giá dầu tăng mạnh.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước tháng 4 đạt 160.200 tỷ đồng. Luỹ kế 4 tháng đầu năm, thu ngân sách ước đạt 645.300 tỷ đồng, bằng 45,7% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2021.
Trong đó thu nội địa 4 tháng đầu năm ước đạt 520.300 tỷ đồng (bằng 44,2% dự toán); thu tư dầu thô đạt gần 24.100 tỷ đồng (bằng đến 85,4% so với dự toán); thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 100.900 tỷ đồng (bằng 50,7% dự toán), tăng 27,1%.
Dù ghi nhận giảm trong tháng 4, nhưng tính chung 4 tháng, dầu thô vẫn là nguồn thu ghi nhận mức tăng cao nhất đóng góp vào ngân sách. Tổng tiền thu từ dầu thô đóng góp về ngân sách đã đạt gần 24.100 tỷ đồng sau 4 tháng, tăng 93,4% so với cùng kỳ và hoàn thành tới 85,4% dự toán.
Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân giúp khoản thu này tăng trưởng mạnh chủ yếu do giá dầu tăng cao, bình quân 4 tháng đạt khoảng 97,4 USD/thùng, cao hơn 37,4 USD/thùng so dự toán và cao gấp rưỡi so với cùng kỳ. Ngoài ra, sản lượng dầu thô thanh toán giai đoạn này cũng đạt 3 triệu tấn, bằng 42,9% kế hoạch.
Có 54/63 địa phương có tiến độ thực hiện thu nội địa 4 tháng đạt trên 38% dự toán; 37 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 26 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Có 9/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán (trên 34% dự toán), một số khoản thu có mức tăng khá so cùng kỳ năm 2021. Ước tính đến hết 4 tháng, tổng số thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được miễn, giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 14.700 tỷ đồng.
Trong chiều ngược lại, theo Bộ Tài chính tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 4 ước đạt 132.800 tỷ đồng. Luỹ kế chi 4 tháng đầu năm đạt 470.200 tỷ đồng (bằng 26,3% dự toán, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 95.700 tỷ đồng; chi trả nợ lãi ước đạt 33.800 tỷ đồng; chi thường xuyên ước đạt 340.200 tỷ đồng.
Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.
Cũng theo Bộ Tài chính, ngân sách Trung ương đã chi từ dự phòng để bổ sung cho các địa phương 963,5 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 27,19 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
HM (T/h)Tổ chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh làm tổ trưởng; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy là tổ phó.