4 tháng đầu năm, TP.HCM thu hút thêm 1,14 tỷ USD vốn FDI

Đầu tư và Tiếp thị
10:48 AM 02/05/2021

Trong 4 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư FDI vào TP. HCM chiếm 9,5% so với cả nước, đạt 1,14 tỷ USD. Trong đó có 100 dự án cấp mới, 30 lượt dự án với số vốn tăng thêm.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính đến ngày 20/4/2021, tổng vốn đầu tư FDI, trong đó gồm cả vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 12,25 tỷ USD.

Nhìn chung, kết quả này chỉ bằng 99,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn đăng ký mới là gần 8,5 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ. Ngoài ra, vốn tăng thêm là 2,7 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm của vốn tăng thêm chủ yếu là do trong tháng 4/2020, có Dự án tổ hợp hóa dầu Miền Nam Việt Nam điều chỉnh tăng vốn 1,38 tỷ USD.

Đáng chú ý, vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần tiếp tục giảm mạnh, đạt trên 1 tỷ USD, giảm 57,8% so với cùng kỳ.

Báo cáo Cục Đầu tư nước ngoài nêu rõ, 5,5 tỷ USD trong tổng số hơn 12 tỷ USD vốn FDI rót vào Việt Nam đã được giải ngân, chiếm gần 45%, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp đã tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, trong tổng số 12,25 tỷ USD vốn ngoại đổ vào Việt Nam 4 tháng đầu năm 2021, TP. HCM chiếm 9,5% với 1,14 tỷ USD. Trong 1,14 tỷ USD này bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 12,92% so cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, liên quan đến cấp mới có 100 dự án cấp mới với vốn đăng ký đạt 360 triệu USD; trong đó, vốn đăng ký tập trung chủ yếu ở 2 ngành là thương nghiệp với 46 dự án, vốn đạt 225,1 triệu USD (chiếm 62,5% vốn cấp mới) và ngành kinh doanh bất động sản với 5 dự án, vốn đạt 125,8 triệu USD (chiếm 34,9%).

Một số quốc gia có vốn đầu tư cao gồm Nhật Bản 210 triệu USD (chiếm 58,3%); Hà Lan 80,7 triệu USD (chiếm 22,4%) và Singapore là 36,3 triệu USD (chiếm 10,1%).

Liên quan đến dự án điều chỉnh vốn đầu tư, có 30 lượt dự án với số vốn tăng thêm là 403 triệu USD; trong đó, có 1 dự án đến từ nhà đầu tư Nhật Bản hoạt động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo điều chỉnh tăng vốn là 270 triệu USD, chiếm 67% vốn điều chỉnh. Thêm vào đó, đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài có 547 trường hợp với tổng vốn đạt 377,6 triệu USD.

Đối với ngành hoạt động, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với vốn đăng ký đạt 322 triệu USD, chiếm 28,2% tổng; kế đến là ngành thương nghiệp với vốn đạt 321,2 triệu USD, chiếm 28,1%; ngành kinh doanh bất động sản 196,3 triệu USD, chiếm 17,2%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 175,4 triệu USD, chiếm 15,4%; giáo dục và đào tạo đạt 30,3 triệu USD, chiếm 2,7%.

Đối với đối tác đầu tư, có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào thành phố, trong đó Nhật Bản có vốn đầu tư là 494,4 triệu USD, Singapore 281,6 triệu USD, Hàn Quốc 97,7 triệu USD, Hà Lan 82,4 triệu USD, Trung Quốc 40,9 triệu USD…

Hà Trần
Ý kiến của bạn
12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025 12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.