4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 3,2 triệu tấn xăng dầu

Xuất nhập khẩu
03:00 PM 17/05/2023

Bốn tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 3,26 triệu tấn xăng dầu với tổng kim ngạch đạt 2,77 tỷ USD, giảm 4,8% về lượng và 16,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái

Theo Tổng cục Hải quan tháng 4/2023, Việt Nam nhập khẩu 667.243 tấn xăng dầu các loại với tổng kim ngạch đạt 534,1 triệu USD, giảm lần lượt 11,4% về lượng và 12,5% về kim ngạch so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm 2022, lượng và kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong tháng 4 cũng giảm mạnh với các chỉ số lần lượt là giảm 15,5% và giảm 38,5%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 3,26 triệu tấn xăng dầu với tổng kim ngạch đạt 2,77 tỷ USD, giảm 4,8% về lượng và 16,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 3,2 triệu tấn xăng dầu - Ảnh 1.

Nhập khẩu xăng dầu giảm trong những tháng đầu năm. Ảnh: báo Công thương

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu từ 7 thị trường. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường cung cấp xăng dầu lớn nhất cho Việt Nam với 1,25 triệu tấn. Đứng thứ hai là thị trường Singapore với 825.715 tấn; tiếp đến là Malaysia với 500.302 tấn; Trung Quốc với 353.003 tấn…

Về xuất khẩu, tháng 4/2023, Việt Nam xuất khẩu 185.208 tấn xăng dầu, đạt 153,81 triệu USD, giảm lần lượt 21,7% và 22,8% so với tháng 3/2023. So với cùng kỳ năm 2022, lượng và trị giá xuất khẩu xăng dầu của Việt Nam giảm lần lượt 7,4% và 23,8%.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 739.619 tấn xăng dầu, đạt 642 triệu USD, tăng 0,1% về lượng và giảm 0,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 4 tháng, Việt Nam xuất khẩu xăng dầu sang 9 thị trường. Trong đó, Campuchia là thị trường có lượng xuất khẩu lớn nhất với 214.299 tấn. Đứng thứ hai là thị trường Singapore với 79.216 tấn; tiếp đến là Hàn Quốc với 67.654 tấn; Trung Quốc với 52.618 tấn.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam lý giải, nguồn cung xăng dầu thời gian qua tương đối ổn định nhờ một số kho xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối từng bị tạm dừng vì chưa kết nối thiết bị đo bồn bể tự động, nay đã được khắc phục. Theo đó, sản phẩm tinh chế trong nước đã tăng trở lại, giảm phụ thuộc nhập khẩu. Hiệp hội cũng đánh giá các doanh nghiệp đầu mối cũng đã thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn nên nguồn cung được cải thiện.

Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp đầu mối, nhu cầu mua nhiên liệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh quý đầu năm giảm nhẹ cũng góp phần khiến sản lượng nhập khẩu giảm.

Dự báo nhu cầu xăng dầu tăng cao phục vụ sản xuất kinh doanh, phục hồi sau dịch, nên năm 2023 Bộ Công Thương giao các doanh nghiệp đầu mối mua và nhập 25,9-26,7 triệu m3/tấn xăng dầu, tăng 10-15% so với năm 2022. Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm phương án nhập khẩu bổ sung đã phân giao, bảo đảm duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường trong nước và không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn