4 tháng đầu năm, Việt Nam thu về 20,3 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi
Trong 4 tháng đầu năm 2024, nước ta đã xuất khẩu 3.915 tấn hoa hồi với tổng kim ngạch đạt 20,3 triệu USD, tuy nhiên giảm 21,1% về lượng và giảm 34,6% về kim ngạch. Trong đó, Ấn Độ và Mỹ là 2 thị trường xuất khẩu chính.
Nước ta được thiên nhiên ưu ái ban cho nhiều loại cây gia vị như hồ tiêu, ớt, quế, hồi,… với kim ngạch xuất khẩu thu về hàng tỷ USD mỗi năm. Trong đó, hoa hồi được coi là “báu vật” trời ban khi chỉ cực ít quốc gia trên thế giới may mắn sở hữu. Hoa hồi được mệnh danh là "cánh hoa nghìn tỷ" bởi giá trị kinh tế cao, nhiều quốc gia săn đón.
Sở dĩ cây hồi được coi như "báu vật" vì đây là loài cây bản địa mà rất ít quốc gia trên thế giới có thể trồng được. Thực tế, hầu như cây hồi chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc. Mỗi năm, chỉ thu hoạch được 2 vụ hoa hồi.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam trong tháng 4/2024 đạt 1.480 tấn với kim ngạch đạt hơn 7 triệu USD, tăng mạnh 48,3% so với tháng trước. Ấn Độ và Hoa Kỳ là 2 thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam chiếm lần lượt 61,5% và 7,5% đạt 2.409 tấn và 295 tấn.
Xét về thị trường, trong tháng 4/2024, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam với 1.033 tấn, chiếm 69,8% tỷ trọng và tăng đến 60% so với tháng trước.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu 3.915 tấn hoa hồi với tổng kim ngạch đạt 20,3 triệu USD, tuy nhiên giảm 21,1% về lượng và giảm 34,6% về kim ngạch.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu bao gồm Prosi Thăng Long với 823 tấn, Nedspice Việt Nam với 235 tấn, Tuấn Minh 199 tấn, Hồng Sơn Việt Nam với 154 tấn và Senspices Việt Nam với 148 tấn.
Tại Việt Nam, cây hồi được trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh biên giới phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn. Trong đó, Lạng Sơn được mệnh danh "thủ phủ" của cây hồi của nước ta. Hồi ở Lạng Sơn được trồng chủ yếu tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định, Chi Lăng, Văn Lãng và Cao Lộc. Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu hồi tại Lạng Sơn.
Năm 2023, nước ta thu về 83 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi, sản lượng đạt 16.136 tấn. Giá xuất khẩu bình quân năm 2023 đạt 6.376 USD/tấn. Trong cả năm 2023, Ấn Độ và Trung Quốc giữ vai trò là 2 thị trường lớn nhất với 7.860 tấn và 4.116 tấn, lần lượt chiếm 48,7% và 25,5% thị trường xuất khẩu.
Đến nay, ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến quế và cây dược liệu của Việt Nam đã dần chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững theo hướng giảm dần các sản phẩm thô, canh tác truyền thống, tăng cường sản phẩm chế biến chuyên sâu có giá trị cạnh tranh cao hơn, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị.
Huyền My (t/h)Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.