4 tháng đầu năm, xuất khẩu chè giảm cả về lượng và trị giá

Xuất nhập khẩu
12:51 PM 09/05/2023

4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu chè ước đạt 30 nghìn tấn, trị giá 50 triệu USD, giảm 4,8% về lượng và giảm 5,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Việt Nam là nước có lợi thế sản xuất chè. Đây cũng là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Hiện, ngành chè không chỉ sản xuất ở trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới. Trong những năm qua, ngành chè đã đem lại giá trị kinh tế lớn cho xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4, xuất khẩu chè đạt 9.000 tấn, trị giá 15 triệu USD, tăng 16% về lượng và tăng 17% về trị giá so với tháng trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.636,5 USD/tấn, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 4 tháng, xuất khẩu chè ước đạt 30.000 tấn, trị giá 50 triệu USD, giảm 4,8% về lượng và giảm 5,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Bốn tháng đầu năm, xuất khẩu chè giảm cả về lượng và trị giá - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 4/2023 đạt 1.636,5 USD/tấn, giảm 10,4% so với tháng 4/2022. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4/2023, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.647 USD/tấn, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2022.

Chè Việt Nam được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Với thị trường trong nước thì nhu cầu tiêu thụ chè của người dân Việt luôn cao, đặc biệt vào các dịp lễ Tết hay các sự kiện quan trọng. Đặc biệt, chè không đơn thuần chỉ dùng uống hằng ngày, mà còn được dùng làm quà biếu người thân thay lời chúc mừng, lời chào đón…Chính vì thế, tình hình tiêu thụ chè trong nước luôn ở mức ổn định. 

Thị trường tiêu thụ trong nước phần lớn là chè xanh ngược lại với thị trường xuất khẩu chủ yếu là chè đen (chiếm tỷ trọng đến 51%). Trong những năm gần đây, ngoài người trung niên và lớn tuổi, sản lượng tiêu thụ chè của giới trẻ cũng đang có xu hướng tăng. Cùng với đó, họ có sự đòi hỏi cao hơn về tính tiện lợi, nhanh chóng và đẹp mắt. Những thị hiếu này đã tạo nên chỗ đứng cho loại chè hòa tan, chè túi nhúng…

Với thị trường xuất khẩu, mặt hàng chè xuất khẩu nhiều nhất tới khu vực châu Á trong quý I/2023, tỷ trọng xuất khẩu tới khu vực này chiếm 83,3% tổng trị giá xuất khẩu chè, tăng 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.

Trị giá xuất khẩu chè tới châu Á đạt 29,2 triệu USD, tăng 1,7% so với quý I/2022. Trong đó, chè xuất khẩu tăng mạnh sang thị trường Trung Quốc, Ả rập Xê Út và Ấn Độ.

Trong khi tăng tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực châu Á tăng thì chè xuất khẩu tới châu Âu và châu Mỹ có tỷ trọng giảm trong quý I/2023. Xuất khẩu sang châu Âu chủ yếu tới thị trường Nga, do đó trị giá xuất khẩu sang Nga giảm mạnh đã tác động tới kết quả xuất khẩu đến châu Âu. Trị giá xuất khẩu chè tới Nga trong quý I/2023 đạt 3,2 triệu USD, giảm 16,9% so với quý I/2022.

Chè xuất khẩu tới châu Mỹ giảm mạnh, do xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Hoa Kỳ, trong khi trị giá xuất khẩu tới thị trường này giảm mạnh. Trị giá xuất khẩu tới châu Mỹ trong quý I/2023 đạt 1,4 triệu USD, giảm 51,9% so với quý I/2022, trong đó trị giá xuất khẩu tới Hoa Kỳ chiếm 95,5%.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, giá chè nhập khẩu từ các thị trường chính trên thế giới đều ở mức cao, tuy nhiên giá chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ ở mức thấp, bởi nguyên liệu chè cung cấp cho các nhà máy chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu chè sang các thị trường lớn có nhu cầu cao cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng thông qua chuyển đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.