4 tháng nhập siêu từ Trung Quốc hơn 17 tỷ USD
Dù chịu tác động lớn từ đại dịch COVID-19, song hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn có được tốc độ tăng trưởng khá. Bốn tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 17,67 tỷ USD, tăng tới 82% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan ghi nhận, riêng tháng 4/2021, Việt Nam chi gần 9,6 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tăng tới trên 3 tỷ USD so với cùng kỳ 2020. Tính chung trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 33,93 tỷ USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ 2020.
Ở chiều ngược lại xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đạt 16,26 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ 2020.
Như vậy, với quy mô kim ngạch và tốc độ tăng trưởng nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu nên khoảng cách nhập siêu giữa Việt Nam với Trung Quốc đã nới rộng từ 9,7 tỷ USD của 4 tháng đầu năm ngoái lên tới 17,67 tỷ USD của cùng kỳ năm nay, và con số tăng trưởng tới 82%.
Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, mới qua 4 tháng nhưng Việt Nam có nhiều nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,46 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (6,3 tỷ USD); điện thoại và linh kiện (2,97 tỷ USD); vải (2,68 tỷ USD)...
Trong đó các mặt hàng máy móc, thiết bị và phụ tùng được nhập về nhiều nhất, với kim ngạch đạt 7,46 tỷ USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 51%.
Đứng thứ 2 là máy vi tính, linh kiện đạt kim ngạch hơn 6,3 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong hai mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao nhất của Việt Nam từ Trung Quốc.
Đáng chú ý, trong số các nguyên liệu phục vụ sản xuất, các sản phẩm như vải các loại, nguyên liệu dệt may, da giày nhập từ Trung Quốc có tốc độ tăng khá nhanh. Hết 4 tháng, kim ngạch nhập vải các loại từ Trung Quốc về Việt Nam đạt 2,68 tỷ USD, tăng hơn 680 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Nhập siêu từ Trung Quốc đã diễn ra từ cả chục năm nay, không phải là mới. Đồng thời, ông phân tích thêm: Nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc là rất dễ hiểu, vì Trung Quốc là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho các ngành sản xuất, xuất khẩu như dệt may, da giầy, đồ gỗ, nhựa, điện tử, thiết bị điện gia dụng,... từ đó ta mới có xuất khẩu những nhóm hàng trên tăng trưởng mạnh như thời gian vừa qua.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng: “Nhập khẩu tăng có thể vì 2 lý do: Nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng, đồng thời xuất khẩu cũng tăng nên có nhu cầu nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu. Còn về cán cân thương mại của nhóm hàng công nghệ, viễn thông, nhập siêu là điều dễ hiểu vì trình độ công nghệ của ta chưa bằng họ, sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Mặt khác, các mặt hàng này là linh kiện, mình nhập về, lắp ráp rồi xuất khẩu” - TS Nguyễn Đức Độ nói.
Huyền Thương (T/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.