4 tháng, xuất khẩu gạo đạt 1,75 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt 1,75 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Nguyên nhân do giá gạo xuất khẩu bình quân chỉ đạt 514 đô la Mỹ/tấn, giảm 20% so với trung bình cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung lúa gạo tại châu Á dồi dào hơn 2 năm trước. Đặc biệt, Ấn Độ xuất khẩu gạo trở lại sau một thời gian hạn chế, là nguyên nhân khiến giá không còn giữ được mức cao. Chưa kể, Ấn Độ có lượng gạo dự trữ cao kỷ lục, khiến nguồn cung trên thị trường quốc tế gia tăng, tạo áp lực cạnh tranh cho các nước xuất khẩu khác.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 398 đô la/tấn trong tuần này, tăng nhẹ so với mức 395 đô la của hai tuần trước.
Một thương nhân tại TPHCM cho biết động thái mua gạo dự trữ của chính phủ đã hỗ trợ giá phần nào, nhưng nhìn chung, nhu cầu vẫn yếu và hoạt động giao dịch cũng thưa thớt.

Ảnh minh họa: Internet
Trước đó, theo số liệu 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 2,31 triệu tấn, mang về 1,21 tỷ USD, tăng 5,82% về lượng, nhưng giảm 15,5% về giá trị so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu trung bình khoảng 522 USD/tấn, giảm đến 20,18%.
Giá gạo từ các nhà xuất khẩu lớn sụt giảm, nên phần lớn đơn hàng của doanh nghiệp Việt xuất đi những thị trường trọng điểm trong quý I/2025 cũng giảm tương ứng. Cụ thể, xuất khẩu gạo sang Philippines - thị trường lớn nhất, đạt gần 1 triệu tấn, trị giá 489 triệu USD, giảm lần lượt 2,52% về lượng, giảm 24,69% về trị giá. Sự sụt giảm tương tự cũng diễn ra khi Việt Nam xuất bán gạo sang Bờ Biển Ngà, Trung Quốc. Theo thống kê, giá gạo xuất khẩu sang Philippines đã giảm gần 23%, trong khi 2 thị trường còn lại giảm 25% và 15,6% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng, khó khăn chỉ là tạm thời và giá gạo sẽ sớm hồi phục, song khó trở lại mức cao như năm ngoái bởi nguồn cung hiện vẫn dồi dào.
Đánh giá về khả năng xuất khẩu gạo trong những tháng tới, các chuyên gia trong ngành lúa gạo cho rằng, Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng xuất khẩu, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường gần. Thương vụ Việt Nam tại Philippines dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này trong năm 2025 vẫn ở mức cao và Việt Nam tiếp tục là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu của Philippines.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm 2024. Sản lượng gạo xuất khẩu có thể giảm, nhưng nếu tăng được lượng gạo ST24, ST25, gạo thơm chất lượng cao, thì ngoại tệ mang về vẫn tích cực.
Hướng đi bền vững để gạo Việt vẫn giữ được giá và chinh phục được nhà nhập khẩu khó tính là không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại, tăng sản xuất gạo thơm, chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, kiểm soát chặt vấn đề dư lượng hóa chất…
Huyền My (t/h)
Thường trực Chính phủ chỉ đạo tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa", mang lại tác động, hiệu quả lớn khu vực kinh tế tư nhân; thực hiện mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp và có ít nhất 20 Tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đa quốc gia.