40% diện tích đất trên thế giới đang bị thoái hóa

Quốc tế
04:26 PM 29/04/2022

Liên Hợp quốc (LHQ) cho biết trái đất đang ngày càng phải chịu ảnh hưởng từ những hành động tàn phá của con người, với 40% diện tích đất bị thoái hóa. Một nửa dân số trên thế giới đang phải gánh chịu hậu quả.

Một nửa dân số thế giới đang phải gánh chịu hậu quả của việc sử dụng quá tích cực đất cho mục đích nông nghiệp, phá rừng, khai thác mỏ và sản xuất công nghiệp, nhất là cư dân của các nước đang phát triển. Nếu con người không có những biện pháp khẩn cấp, sự suy thoái đất sẽ lan rộng hơn nữa. Theo báo cáo Global Land Outlook 2, nếu tốc độ suy thoái tiếp tục như hiện nay, đến năm 2050, diện tích đất bị thoái hóa sẽ tăng bằng diện tích của Nam Mỹ.

Đất bị suy thoái, tức đất không có độ phì nhiêu, tài nguyên thiên nhiên quan trọng, nước, đa dạng sinh học, cây cối hoặc thảm thực vật, được tìm thấy trên khắp hành tinh của chúng ta. Nhiều người cho rằng những vùng đất bị suy thoái chỉ là những sa mạc khô cằn, những khu rừng nhiệt đới bị chặt phá hoặc những khu vực bị ảnh hưởng bởi các thành phố rộng lớn, nhưng thực ra khái niệm đất bị suy thoái còn bao gồm những khu vực "xanh" không có thảm thực vật tự nhiên và là nơi trồng trọt quá tích cực.

40% diện tích đất trên thế giới đang bị thoái hóa - Ảnh 1.

Hồ Sawa của Iraq đã khô cạn vì biến đổi khí hậu và các chính sách nông nghiệp có hại. Ảnh: Getty Images

Việc trồng lương thực trên đất bạc màu ngày càng trở nên khó khăn hơn do đất bị cạn kiệt nhanh chóng và thiếu nguồn nước. Suy thoái làm giảm khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon của đất, góp phần làm tuyệt chủng nhiều loài động thực vật và đe dọa làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu.

Thư ký điều hành công ước của LHQ về chống sa mạc hóa, ông Ibrahim Thiaw cho biết suy thoái đất đang ảnh hưởng đến thực phẩm, nước, carbon và sự đa dạng sinh học. Nó ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, làm giảm khả năng tiếp cận nước sạch và tăng mức độ trầm trọng của hạn hán.

Nông nghiệp hiện đại đã thay đổi diện mạo của hành tinh, nhanh hơn bất kỳ hoạt động nào khác của con người, vốn gây ra 80% nạn phá rừng, 70% sử dụng nước ngọt và là nguyên nhân lớn nhất gây ra việc mất đa dạng sinh học.

Ông Thiaw cho rằng mọi nông dân dù lớn hay nhỏ đều có thể thực hành nông nghiệp tái sinh. Có rất nhiều kỹ thuật không cần sử dụng công nghệ tiên tiến mà vẫn đạt hiệu quả cao trong việc tái sinh cho đất.

Cách khôi phục đất bạc màu khá đơn giản, con người có thể thay đổi phương pháp canh tác sang ruộng bậc thang và canh tác theo đường viền, để đất hoang hóa hoặc trồng cây che phủ dưỡng chất, thực hành thu hoạch và lưu trữ nước mưa hoặc trồng cây để chống xói mòn đất. Nhiều nông dân không áp dụng các quy trình này do áp lực sản xuất, thiếu kiến thức, quản lý địa phương kém hoặc thiếu khả năng tiếp cận các nguồn lực. Tuy nhiên, LHQ tính toán với mỗi 1 USD chi cho việc khôi phục, sản lượng có thể tăng từ 7 USD đến 30 USD và kèm theo nhiều lợi ích khác.

Theo báo cáo Global Land Outlook 2, có thể mất khoảng một nửa GDP của thế giới, tương đương khoảng 44 nghìn tỷ USD mỗi năm, do suy thoái đất. Lợi ích kinh tế từ việc khôi phục đất bị suy thoái có thể đạt từ 125 nghìn tỷ USD đến 140 nghìn tỷ USD mỗi năm, cao hơn khoảng 50% so với mức 93 nghìn tỷ USD GDP toàn cầu được ghi nhận vào năm 2021.

An Mai (Theo Guardian)
Ý kiến của bạn
Giáo dục giá trị lịch sử, văn hóa qua Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” Giáo dục giá trị lịch sử, văn hóa qua Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Chương trình truyền hình trực tiếp "Cùng nhau giữ nước" nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sẽ diễn ra vào 20h00 ngày 18/11 tới tại sân vận động Cột Cờ, khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội với quy mô 3.000 khán giả.