5 năm nữa, Việt Nam sẽ bắt kịp Thái Lan về quy mô GDP danh nghĩa
Tới thời điểm năm 2027, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam sẽ bắt kịp Thái Lan về quy mô GDP danh nghĩa với 690 tỷ USD và cạnh tranh vị trí thứ hai khu vực ASEAN, trong khi Thái Lan ghi nhận quy mô GDP danh nghĩa dự báo đạt 693 tỷ USD.
Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã chứng kiến một số dự báo lạc quan từ các tổ chức quốc tế, như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt 5,3%, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%.
Mới đây nhất, theo dự báo của IMF, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,0% trong năm 2022, nằm trong số những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.
Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và địa chính trị nhiều rủi ro, sự thu hẹp các chính sách tài khóa, tiền tệ của nhiều nền kinh tế lớn khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Trong khi đó, tại Việt Nam, nền kinh tế đang phục hồi khá nhanh nhờ Chính phủ đã kịp thời thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp, đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo số liệu công bố của IMF, xét về quy mô GDP theo giá hiện hành (quy mô GDP danh nghĩa) năm 2021, Việt Nam đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á với 366 tỷ USD, cao hơn Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào.
Trong khi đó, dẫn đầu về quy mô GDP danh nghĩa năm 2021 trong khu vực Đông Nam Á là Indonesia với 1.186 tỷ USD. Theo sau lần lượt là Thái Lan (513 tỷ USD), Singapore (397 tỷ USD), Philippines (394 tỷ USD) và Malaysia (373 tỷ USD).
IMF cũng đưa ra dự báo về quy mô GDP danh nghĩa năm 2022, theo đó Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 6 với 409 tỷ USD.
Đáng chú ý, tới thời điểm năm 2027, IMF dự báo Việt Nam sẽ bắt kịp Thái Lan về quy mô GDP danh nghĩa với 690 tỷ USD và cạnh tranh vị trí thứ hai khu vực ASEAN, trong khi Thái Lan ghi nhận quy mô GDP danh nghĩa dự báo đạt 693 tỷ USD.
Ngoài ra, cũng theo số liệu của IMF, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành của Việt Nam trong năm 2021 đạt 3.743 USD/người/năm. Với kết quả này, GDP bình quân của Việt Nam xếp thứ 6/10 quốc gia Đông Nam Á, cao hơn Philippines (3.572 USD), Lào (2.514 USD), Campuchia (1.654 USD) và Myanmar (1.217 USD).
Trong khi đó, Singapore dẫn đầu trong khu vực với GDP bình quân đầu người đạt 71.795 USD, tiếp theo là Brunei và Malaysia với GDP bình quân đạt lần lượt 44.809 USD và 11.399 USD. Các quốc gia khác như Thái Lan và Indonesia cũng ghi nhận GDP bình quân đầu người cao hơn Việt Nam.
Năm 2022, IMF dự báo GDP bình quân của Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á đạt 4.122 USD. Trong khi đó, ở vị trí dẫn đầu sẽ là sự đổi ngôi giữa Singapore và Brunei với mức GDP bình quân đầu người năm 2022 được dự báo lần lượt là 79.576 USD và 79.816 USD.
Dự báo tới năm 2027, Việt Nam sẽ vượt Indonesia, đứng vị trí thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á về GDP bình quân đầu người với 6.682 USD, tăng 2.957 USD so với năm 2021. Trong khi đó, vị trí Top 3 tiếp tục là ba quốc gia gồm Singapore, Brunei và Malaysia. Đáng chú ý là Singapore được dự báo GDP bình quân sẽ đạt 101.255 USD, tăng gần 28.500 USD so với thời điểm hiện tại.
Đầu năm 2022, tờ Business Times (Singapore) đã có bài viết "Tiếng gầm của một con hổ châu Á mới - Roar of a new Asian tiger", nói về Việt Nam. Trong đó nhận định Việt Nam có cơ hội trở thành "con hổ châu Á mới" và đưa ra 6 dẫn chứng. Thứ nhất là sự bùng nổ của tầng lớp giàu có. Thứ hai là việc tài trợ cho khởi nghiệp. Thứ ba là sự bùng nổ của năng lượng tái tạo. Thứ tư là sự "khát" lao động. Thứ năm là sự phát triển của thị trường bất động sản và cuối cùng là nhu cầu cơ sở hạ tầng lớn.
Năm nay, Việt Nam đang được kỳ vọng có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng 6-7% như trước COVID-19, mục tiêu phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD. Ngoài ra, theo Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Chính phủ, Việt Nam phấn đấu GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD.
Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD. Cùng với đó, Việt Nam xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
HM (T/h)Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.