5 nhiệm vụ Thủ tướng yêu cầu các xã, phường phải thực hiện bằng được

Chính trị - xã hội
12:12 PM 06/09/2021

Ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2021. Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội phải thực hiện bằng được 5 nhiệm vụ.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng cho biết trong 4 tháng vừa qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe nhân dân, gây thiệt hại về con người, sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tình hình tháng 8 cơ bản ổn định, tiếp tục duy trì các nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các nhiệm vụ về văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tăng lên, phức tạp hơn, nhưng các lĩnh vực này vẫn được giữ vững, đạt kết quả tích cực, đặc biệt ngoại giao vắc xin được đẩy mạnh.

5 nhiệm vụ Thủ tướng yêu cầu các xã, phường phải thực hiện bằng được - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2021 - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng biểu dương các lực lượng tuyến đầu, đội ngũ tình nguyện viên, cùng các địa phương, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị đạt được kết quả nêu trên.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý 23 địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội ưu tiên hàng đầu cho phòng chống dịch bệnh. 40 tỉnh, thành phố còn lại tùy từng lúc, từng nơi để ưu tiên phù hợp cho chống dịch hoặc phát triển kinh tế.

Thủ tướng chia sẻ vừa qua, chúng ta đã chuyển hướng trong công tác phòng chống dịch, từ tập trung sang kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân cấp. Theo đó, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu, còn tổ chức thực hiện vừa tập trung vừa phân cấp, nhất là chú trọng phân cấp tới xã, phường, thị trấn vì đây là cấp gần dân nhất, hiểu dân nhất, tiếp xúc nhiều nhất, trực tiếp nhất với người dân.

“Người dân là trung tâm thì mọi chính sách và thực hiện chính sách phải hướng tới người dân, vì nhân dân. Người dân là chủ thể tức là phải tích cực tham gia phòng chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nhất là xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, thực hiện bằng được 5 nhiệm vụ.

Một là, thực hiện nghiêm ngặt quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”.

Hai là, bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.

Ba là, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu phải đáp ứng kịp thời.

Bốn là, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn.

Năm là, tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Tài chính tổng hợp các đề xuất của địa phương về kinh phí phòng chống dịch để giải quyết, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thúc đẩy việc này. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở các kiến nghị của các địa phương có chính sách cho lực lượng tuyến đầu.

Đề cập đến vấn đề lưu thông hàng hoá, di chuyển con người, Thủ tướng cho rằng phải có chỉ đạo thống nhất. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Bộ Giao thông vận tải tham mưu, phối hợp với các lực lượng khác và giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo công tác này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, tiếp thu ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, sơ kết, tổng kết thực tiễn, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tình hình, nghiên cứu việc thích ứng an toàn với dịch bệnh trong điều kiện mới. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phụ trách việc thúc đẩy ngoại giao vắc xin, thuốc và vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải nhanh chóng kiểm soát tình hình để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch kịch bản để phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.