5 tháng đầu năm, Hà Nội giải quyết việc làm cho hơn 85 nghìn lao động

Địa phương
09:16 AM 30/05/2023

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 85,8 nghìn lao động, đạt 52,9% kế hoạch năm và giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là thông tin Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác việc làm – an toàn lao động 5 tháng đầu năm 2023. Theo đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo việc làm mới cho người lao động, 5 tháng đầu năm 2023, TP Hà Nội giải quyết việc làm mới cho 85,8 nghìn lao động, đạt 52,9% kế hoạch giao trong năm.

5 tháng năm 2023, Hà Nội giải quyết việc làm cho hơn 85 nghìn lao động  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, Thành phố Hà Nội ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền là 1.071 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 21,8 nghìn lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức thành công 98 phiên giao dịch việc làm với 2.847 đơn vị, doanh nghiệp tham gia và 20,1 nghìn lao động được phỏng vấn, kết quả có 6,8 nghìn người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên giao dịch; có 1.910 người được giải quyết đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc; 55,2 nghìn người tự tạo việc làm qua tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố.

Cũng trong 5 tháng, thành phố ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 30,4 nghìn người với số tiền hỗ trợ 855 tỷ đồng, tư vấn giới thiệu việc làm cho 29,8 nghìn người; hỗ trợ học nghề cho 487 người với số tiền 2,1 tỷ đồng.

“Số lao động được tạo việc làm mới trong 5 tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm so với năm 2022 do sự tác động từ cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, khí đốt tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước cao,… dẫn đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn.

Thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có thể kéo dài sang năm 2024, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành Dệt may, Da giày, Điện tử, Chế biến gỗ… khiến các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng. Việc cắt giảm nhân công cũng là giải pháp duy trì của một số doanh nghiệp hiện nay, dẫn đến giảm làm mới trong các tháng đầu năm 2023” – Sở LĐTB&XH Hà Nội lý giải.

Nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn đáp ứng ngay quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động, vừa qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tìm kiếm, kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu và giải quyết tốt việc làm.

Các đơn vị cũng triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết việc làm; Hoàn thiện mạng lưới thu thập, cung cấp thông tin thị trường lao động từ thành phố tới địa phương thông qua việc tổ chức đồng bộ hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội. Cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn về nguồn nhân lực, báo cáo xu hướng về tình trạng việc làm, xu hướng nghề nghiệp, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, các ngành nghề đang phát triển thu hút nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Huyền My
Ý kiến của bạn
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.