5 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 11,71 tỷ USD vốn FDI

Đầu tư và Tiếp thị
08:30 AM 29/05/2022

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt 11,71 tỷ USD, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đà tăng mạnh của vốn điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã giúp “neo” lại đà giảm của tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 5 tháng.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân trong 5 tháng đầu năm ước đạt 7,7 tỷ USD và tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến ngày 20/5/2022, vốn đăng ký mới giảm 53,4% so với cùng kỳ, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tăng mạnh lần lượt là 45,4% và 51,6%.

Nhờ đó, tổng vốn FDI (đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài) trong 5 tháng đầu năm chỉ giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2021 khi đạt 11,71 tỷ USD. Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, con số này phản ánh đúng xu hướng chung của sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế nhất là trong bối cảnh chiến tranh Nga – Ukraine và dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm.

5 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 11,71 tỷ USD vốn FDI - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong đó, có 578 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 5,7% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 4,12 tỷ USD (giảm 53,4% so với cùng kỳ); có 395 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 15,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5,61 tỷ USD (tăng 45,4% so với cùng kỳ); có 1.339 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 5,8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 1,98 tỷ USD (tăng 51,6% so với cùng kỳ).

Cục Đầu tư nước ngoài  (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, với sự trợ giúp liên tục, hiệu quả của Chính phủ và các cơ quan chức năng, cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch và thích ứng với tình hình mới, các doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.

5 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 11,71 tỷ USD vốn FDI - Ảnh 2.

Từ đầu năm tới nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, với tổng vốn đầu tư đạt trên 6,8 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành thông tin truyền thông; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 398 triệu USD và gần 374,8 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

5 tháng đầu năm, đã có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, chiếm 25,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 43,8% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 2,06 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư, tăng 12,6% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn đầu tư.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,52 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,65 tỷ USD, chiếm 14,1% tổng vốn. Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn và giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, dù có những tác động bất lợi từ đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu. 5 tháng đầu năm nay, số lượng các dự án điều chỉnh vốn vẫn tăng 15,5% so với cùng kỳ.

Tính lũy kế đến ngày 20/05/2022, cả nước có 34.898 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 426,14 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 259,31 tỷ USD, bằng 60,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn