5 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả tăng gần 29%
Xuất khẩu rau quả tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, 5 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt trên 1,8 tỉ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 5, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 466 triệu USD, tăng 80,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay đạt trên 1,8 tỉ USD, tăng gần 29%. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hơn 714 triệu USD giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kết quả ấn tượng trên nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác như: Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hà Lan tăng trưởng mạnh nhất với 72%; Đức tăng 30,1%, Malaysia tăng 33,7%, Lào tăng 57,5%, Hàn Quốc tăng gần 10%... Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng gần 30% so với năm ngoái. Trung bình từ đầu năm đến nay, mỗi tháng nước này chi hơn 200 triệu USD nhập khẩu rau quả từ Việt Nam.
Kết quả trên có được nhờ Việt Nam đã mở cửa chính ngạch sang thị trường Trung Quốc được đối với sầu riêng, khoai lang và 1 số mặt hàng truyền thống như thanh long, chuối, mít...
Triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tươi sáng hơn khi nông sản Việt đang được nhiều quốc gia ưa chuộng. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự báo xuất khẩu rau quả trong những tháng tới tiếp tục khả quan khi bước vào mùa trái cây, đặc biệt là vải thiều rộ mùa vào tháng 6 và 7. Bên cạnh đó, sầu riêng có cơ hội vươn lên trở thành mặt hàng tỷ USD khi vừa có thêm nhiều vùng trồng được cấp mã xuất khẩu vào Trung Quốc. Dự báo, xuất khẩu rau quả năm nay của Việt Nam có thể cán mốc 4 tỷ USD.
Mặc dù Trung Quốc đang chuộng nông sản Việt nhưng thị trường này ngày càng yêu cầu cao. Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu phải hướng đến phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa.
Ngoài ra, người dân cũng cần tập trung trồng loại cây theo đúng định hướng của chính quyền địa phương, giúp tập trung vùng trồng, nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.