5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6%

Kinh doanh
09:54 AM 31/05/2023

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6%).

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/5, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2023 ước đạt 519 nghìn tỷ đồng, ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6%).

Theo Tổng cục Thống kê, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây, và tăng 28,3% so với 5 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% - Ảnh 1.

Về doanh thu bán lẻ hàng hóa, giai đoạn 5 tháng đầu năm 2023 ghi nhận mức tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2022 (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%), ước đạt 1.993,6 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; may mặc tăng 11,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 1,9%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 268,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1%. Một số địa phương có mức tăng mạnh là Đà Nẵng, tăng 40,3%; Cần Thơ, tăng 27,2%; Đồng Nai, tăng 23,6%; Thành phố Hồ Chí Minh, tăng 23,4%; Quảng Ninh, tăng 21,8%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hà Nội tăng 11,9%.

Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng 89,4% so với 5 tháng đầu năm 2022 do trong tháng 5 có nhiều ngày nghỉ lễ, trong đó Đà Nẵng tăng gấp 3,5 lần; Hải Phòng tăng gấp 3,2 lần; Hà Nội gấp 3 lần; Bình Thuận tăng 75,2%; Khánh Hòa tăng 71,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 43,5%; Cần Thơ tăng 32,6%; Quảng Ninh tăng 28,6%; Lâm Đồng tăng 18,7%.

Từ đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8%-9% so với năm 2022.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, trong năm 2023, Bộ Công Thương tăng cường công tác kết nối cung cầu, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường. Bộ Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết, hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.

Tăng cường kiểm tra, xử lý hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, hàng hóa gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Bộ Công Thương cũng định hướng phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nhằm kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử.

Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương, tập trung vào các vùng nông thôn với các sản phẩm chủ lực; tăng cường xây dựng các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về hạ tầng thương mại điện tử, giao dịch điện tử và kinh tế số./.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.