5 trụ cột trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn phải tập trung vào 5 trụ cột chính.
Ngày 5/5, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 199/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.
Trong đó, có 5 trụ cột để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm: Phát triển hạ tầng; Xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; Đào tạo nguồn nhân lực; Huy động nguồn lực; Xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), các Khu công nghệ cao ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều khu công nghệ thông tin tập trung.
Đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là “đột phá của đột phá”.
Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về kinh tế - xã hội năm 2023-2024 đã yêu cầu: "Tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030".
Hiện, Việt Nam có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực này (Viettel, VNPT, FPT, CMC…), có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực qua đào tạo này.
Các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… đều thể hiện quyết tâm thu hút, tạo điều kiện và dành nhiều nguồn lực cho phát triển nhân lực bán dẫn cũng như xây dựng hệ sinh thái cho ngành bán dẫn.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành. Các tập đoàn hàng đầu (NVIDIA, Samsung, Synopsys…) cũng có sự quan tâm, định hướng nghiên cứu, đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng “cứ điểm” sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cần xác định rõ quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn.
Về quan điểm, thứ nhất, cần coi đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn là “đột phá của đột phá” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai, đa dạng hóa các loại hình đào tạo như: Đào tạo cơ bản, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi, đào tạo kỹ năng, đào tạo kỹ sư, đào tạo tiến sĩ, đào tạo trong nước và ngoài nước, đào tạo thông qua sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, đa dạng hóa các nguồn lực cho đào tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, gồm nguồn lực nhà nước, xã hội, nhân dân, phát huy quan hệ Nhà nước - xã hội - thị trường, đẩy mạnh hợp tác công tư trong đào tạo.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh cần hoàn thiện thể chế cho công tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù.
Tập trung đầu tư cho hạ tầng phục vụ đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, gồm cơ sở đào tạo, nhà trường, phòng thí nghiệm, nơi sản xuất… Đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp.
Xây dựng phương thức đào tạo cả tiệm cận và đột phá, cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời huy động, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, hợp tác công tư.
An Mai (t/h)Quý III/2024, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%.