6 kế hoạch đột phá của Vietcombank, nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém

Ngân hàng
10:46 AM 15/01/2023

Năm 2022, Vietcombank đạt được hiệu quả kinh doanh dẫn đầu trong ngành ngân hàng, lần thứ 7 liên tiếp được bình chọn là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam và là lần thứ 3 liên tiếp nhận giải thưởng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động".

Kết quả kinh doanh vượt trội năm 2022 của Vietcombank

Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức thành công Hội nghị triển khai công tác Đảng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2023.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành trình bày Báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Theo đó, năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu tác động kép từ hậu quả của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraina, bám sát chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ban lãnh đạo Vietcombank đã định hướng, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, nhất quán xuyên suốt để hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022: Huy động vốn được điều hành phù hợp với với tăng trưởng tín dụng; cơ cấu huy động vốn, tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng.

6 kế hoạch đột phá của Vietcombank, nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành báo cáo tại hội nghị. (Ảnh VCB)

Huy động vốn (HĐV) thị trường I đạt gần 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021. Tỷ trọng HĐV không kỳ hạn (KKH) bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm % so với 2021; HĐV bán buôn tăng trưởng 10,4%; HĐV bán lẻ tăng trưởng ở mức 8,0% so với năm 2021; tín dụng tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021, kiểm soát trong tỷ lệ tăng trưởng được NHNN giao.

Về kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,29%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng (465%).

Doanh số thanh toán quốc tế - thanh toán thương mại đạt xấp xỉ135 tỷ USD, tăng 31,8% so với 2021. Doanh số mua bán ngoại tệ đạt 73 tỷ USD, tăng 20,4% so với 2021; các chỉ tiêu doanh số thẻ, bảo hiểm, phát triển khách hàng bán buôn - bán lẻ đều đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng từ mức 37% đến 100%.

Thu nhập ngoài lãi tăng 9,2% so với năm 2021; thu thuần kinh doanh ngoại tệ tăng trưởng 31,7% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021; NIM đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm % so với 2021.

Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,84% và 24,25%. Vietcombank tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất trên TTCKVN, lọt vào Top 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất thị trường năm 2022.

Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nói chung và ngành tài chính ngân hàng nói riêng, Vietcombank trong 2 tháng cuối năm 2022, Vietcombank đã giảm 1% lãi suất cho vay đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam. Bên cạnh đó, Vietcombank tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội với tổng cam kết 491 tỷ đồng trong năm 2022.

Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng đã khẳng định năm 2022, toàn hệ thống Vietcombank đã vượt qua những khó khăn thách thức, hoàn thành xuất sắc toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ. Vietcombank đạt được hiệu quả kinh doanh dẫn đầu trong ngành ngân hàng. Năm 2022, Vietcombank lần thứ 7 liên tiếp được bình chọn là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam và là lần thứ 3 liên tiếp nhận giải thưởng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động".

Kế hoạch 6 đột phá trong năm 2023

Trong năm 2023, hệ thống Vietcombank sẽ bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ năm 2023 và Chỉ thị 01 của NHNN, kết nối với mục tiêu chiến lược phát triển Vietcombank và quán triệt phương châm hành động: "Chuyển đổi, Hiệu quả, Bền vững", quan điểm chỉ đạo điều hành "Trách nhiệm - Quyết liệt - Sáng tạo" triển khai thành công các mục tiêu kinh doanh.

6 kế hoạch đột phá của Vietcombank, nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Báo Congthuong

Theo đó, Vietcombank sẽ tập trung thực hiện 6 đột phá. Thứ nhất, triển khai Chương trình hành động chuyển đổi số và Kế hoạch hành động chuyển đổi đúng tiến độ đã phê duyệt, đảm bảo chất lượng.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nguồn nhân lực thích ứng cho chuyển đổi số; Phát triển văn hóa số và ứng dụng phương pháp làm việc Agile.

Thứ ba, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu hoạt động; phát huy thế mạnh tổng thể của toàn hệ thống Vietcombank.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng, phát triển sản phẩm.

Thứu năm, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách.

Thứ sáu, triển khai đúng tiến độ với tinh thần quyết tâm cao nhất phương án nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém.

3 trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong năm 2023 gồm có: Một là, tăng trưởng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả bền vững: Gia tăng tỷ trọng và chất lượng tài sản đảm bảo trong tổng dư nợ; Tăng trưởng tín dụng bán buôn gắn với phát triển khách hàng và dịch vụ; Tăng trưởng tín dụng bán lẻ, tín dụng tại PGD đồng thời với việc đảm bảo chất lượng tín dụng.

Hai là, phấn đấu cải thiện tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ. Mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên kênh số và nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng. Ba là, cơ cấu danh mục nguồn vốn theo hướng gia tăng hiệu quả. Phát triển mạnh mẽ vị thế tạo lập thị trường của Vietcombank.

Mai Phương
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.