6 nhiệm vụ phát triển ngành logistics vùng Đồng bằng sông Hồng
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết Vùng Đồng bằng sông Hồng là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển.
Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Vùng Lần thứ V - năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi số - động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng- Hải Phòng 2024" ngày 28/5, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, logistics đang là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của các nước, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Hiển, trong những năm qua, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành logistics ở Việt Nam đã và đang được quan tâm đầu tư phát triển, chất lượng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.
"Ngành dịch vụ logistics được coi là xương sống của chuỗi cung ứng, do đó yêu cầu về chuyển đổi số trong ngành cũng không nằm ngoài xu thế chung của toàn bộ nền kinh tế. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã được định hướng trong Quyết định 749/QĐ- TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã xác định logictics là một trong tám ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước", ông Hiển nói.
Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Hồng là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Đây được coi là cửa ngõ phía bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.
Năm 2023, theo bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam đã tiếp tục đà tăng điểm đạt được trong báo cáo LPI 2018 khi đạt mức tăng 0,03 điểm, từ 3,27 điểm lên 3,3 điểm, xếp vị trí thứ 43 trong số 139 nền kinh tế được xếp hạng với sự cải thiện của các yếu tố về hạ tầng, hải quan và gửi hàng quốc tế. Việt Nam cũng lọt vào top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới. Trong đó, chỉ tiêu về cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng 4 thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ngành logistics của chúng ta vẫn còn những hạn chế như: Vận tải hàng hoá trong nước chủ yếu là đường bộ, chi phí logistics còn ở mức cao, năng lực và chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp còn hạn chế. Việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics, hoặc giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu; chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt, tiên phong để tiến ra thị trường quốc tế.
Quá trình chuyển đổi số trong ngành có nhiều kết quả tích cực nhưng nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; trình độ nguồn nhân lực và nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vẫn chưa được đầu tư tương xứng, đồng bộ với nhu cầu phát triển thực tiễn; cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực logistics có lúc, có nơi còn chưa phát được huy hiệu lực, hiệu quả.
Tại Vùng đồng bằng sông Hồng, phát triển ngành logistics cũng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như: Quỹ đất để xây dựng hệ thống kho hàng, kho bãi, trung tâm trung chuyển hàng hoá, trung tâm logistics không nhiều, vốn đầu tư của các doanh nghiệp không lớn. Huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn một số địa phương vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết và gần như chưa có chuyển biến rõ rệt nhằm hỗ trợ lưu thông hàng hóa. Các cảng cạn khu vực phía Bắc chưa kết nối với cảng biển rõ rệt như đối với cảng cạn khu vực phía Nam; quy mô khai thác nhỏ, chưa có các trang thiết bị xếp dỡ hàng chuyên dụng. Việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng còn chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.
"Bối cảnh và thực trạng trên đặt ra yêu cầu đối với ngành logistics Việt Nam nói chung và của Vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng vừa phải có các giải pháp duy trì, đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ; vừa phải có tư duy, tầm nhìn, giải pháp đặc biệt, định hình các hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, tạo ra những bước đột phá phát triển", ông Hiển nói.
Để phát triển ngành logistic nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistic nói riêng cần có sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, ông Hiển kiến nghị 6 nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm triển khai trong thời gian tới.
Một là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng trong phát triển logistics và quá trình chuyển đổi số của ngành. Tuy nhiên, qua khảo sát của Ban Kinh tế Trung ương, nhiều định hướng chưa kịp thời ban hành.
Đối với lĩnh vực logistics, ông Hiển cho rằng đang trong quá trình tham mưu, ban hành Chiến lược tổng thể phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 với những mục tiêu, định hướng, biện pháp để cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi kép là "Chuyển đổi số" và "Chuyển đổi xanh" trong ngành logistics trong thời gian tới
Hai là, chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại; phát huy vai trò của logistics thúc đẩy liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương nội vùng mạnh mẽ. Có nhiều vấn đề chủ trương cần tiếp tục cụ thể hóa trong thời gian tới, như làm thế nào để các địa phương có nguồn lực để đầu tư vào các hạ tầng mang tính chất liên vùng, tiểu vùng của các địa phương khác.
Ba là, cần tháo gỡ các cơ chế chính sách trong hoạt động đầu tư hạ tầng thúc đẩy liên kết vùng như nghiên cứu hình thành các quỹ đầu tư phát triển hạ tầng như đã có định hướng trong Nghị quyết 29 để khai thác quỹ đất để thúc đẩy liên kết vùng; thúc đẩy đô thị hóa theo mô hình TOD... để quá trình xây dựng hạ tầng cho logistics đi vào thực tiễn,
Do ngành logistics gắn liền với các lĩnh vực kinh tế khác, đặc biệt là các mô hình mới trong phát triển kinh tế, ông Hiển cho biết, cần phải có nghiên cứu các cơ chế, chính sách thực sự đột phá, vượt trội đang được áp dụng tại một số uốc gia cho mô hình khu thương mại tự do để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của một số tình, thành phố có lợi thế trong việc phát triển mô hình này, từ đó tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho lĩnh vực logistics.
Bốn là, cần phát triển logistics thông minh dựa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành logistics, tận dụng và khai thác tối đa hiệu quả của quá trình chuyển đổi số để phát triển ngành logistics.
Phát triển hệ thống hạ tầng số để có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực này. Đặc biệt, cần sớm xây dựng và công bố xây dựng nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh vận tải. Đây là các vấn đề yêu cầu các Bộ, ngành cần sớm thực hiện.
Năm là, cần phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đủ sức tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu; phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa. Phát triển các kênh, luồng lưu thông hàng hóa giữa thành thị và nông thôn; hình thành các trục thương mại lớn của vùng, phát triển hệ thống logistics, chợ đầu mối hiện đại, thông minh, bền vững; đẩy mạnh thương mại điện tử; hình thành các sàn giao dịch hàng hoá và các cụm, khu vực hội chợ triển lãm.
Sáu là, chú trọng huy động các nguồn lực cho phát triển logistics theo hướng xã hội hóa, tăng cường hợp tác công - tư trong xây dựng và phát triển các trung tâm logistic trong và ngoài nước, đặc biệt đối với các thị trường đối tác chiến lược. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics, đặc biệt là trung tâm logistics ứng dụng công nghệ cao.
Nhật HàKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.