6 tháng cuối năm, Hà Nội phấn đấu giải ngân đầu tư công mức cao nhất
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đến ngày 15/7/2024, kết quả giải ngân của toàn thành phố đạt 20.889 tỷ đồng, tương đương 25,8% kế hoạch. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai và có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để phấn đấu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, kế hoạch đầu tư công trung hạn ở mức cao nhất.
Năm 2024, Hà Nội được phân bổ 81.033 tỷ đồng vốn đầu tư công, cao hơn 1,73 lần so với kế hoạch Trung ương giao năm 2023. Tính đến ngày 15/7/2024, kết quả giải ngân của toàn Thành phố đạt 20.889 tỷ đồng, tương đương 25,8% kế hoạch. Kết quả này thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước tuy nhiên đây là sự nỗ lực rất lớn của toàn thành phố. Giá trị giải ngân tuyệt đối cao hơn 22,7% so với cùng kỳ năm 2023 và đứng thứ 2 cả nước.
Theo báo cáo của thành phố Hà Nội, các khó khăn, vướng mắc và chủ yếu đối với các dự án đầu tư công trên địa bàn là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, còn một số dự án khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, chỉ giới đường đỏ, đánh giá tác động môi trường,... Một số dự án gặp khó khăn liên quan đến nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng, nhất là đối với các dự án lớn, liên kết vùng như: Đường Vành đai 4; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình... Các dự án sử dụng vốn ODA cũng gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn, thành phố đã liên tục chỉ đạo rà soát tổng thể các dự án của thành phố; phân tích, đánh giá các khó khăn, vướng mắc của từng dự án được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư mà chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư; dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư mà chưa được phê duyệt dự án; dự án đang triển khai thực hiện.
Thực tế, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị phải tập trung, khẩn trương, nỗ lực ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, đã tổ chức hội nghị giao ban của Thường trực Thành uỷ - HĐND - UBND Thành phố về đầu tư công; ban hành 02 Kế hoạch với 05 chuyên đề để thúc đẩy triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, kế hoạch, tiến độ thực hiện giải ngân năm 2024 và các công trình trọng điểm của thành phố.
Đến nay, thành phố Hà Nội luôn có hệ thống dữ liệu thông tin về khó khăn, vướng mắc của các dự án. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã có Kế hoạch số 143 chỉ đạo rất toàn diện để thúc đẩy Kế hoạch đầu tư công trung hạn, năm 2024, năm 2025 và cả chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030.
Theo UBND thành phố, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 đã thực hiện sang năm thứ 4. Trong thời gian qua, các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã đã có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; kết quả giải ngân qua từng năm có tiến bộ: Năm 2021 là 36.565 tỷ đồng (đạt 79,2% kế hoạch), năm 2022 là 45.315 tỷ đồng (đạt 87,8% kế hoạch), năm 2023 là 54.100 tỷ đồng (đạt 94,4% kế hoạch so với thành phố giao, đạt 115,9% so với Trung ương giao). Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch trung hạn thì khối lượng công việc phải triển khai từ nay đến hết năm 2025 còn nhiều, từ công tác chuẩn bị đầu tư đến triển khai thực hiện các dự án.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt trong các tháng cuối năm 2024, thành phố sẽ tiếp tục triển khai và có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để phấn đấu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, kế hoạch đầu tư công trung hạn ở mức cao nhất. Trong đó thành phố sẽ huy động tối đa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố; sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các cấp, các ngành, các chủ đầu tư.
Trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công chính là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm phục hồi, nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; từ đó thúc đẩy tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững.
Huyền MyTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.