6 tháng đầu năm, lượng kiều hối về TP. HCM tăng 22,34%

Đầu tư và Tiếp thị
10:26 AM 09/07/2021

Chỉ tính riêng tại TP HCM, lượng kiều hối đổ về thành phố trong nửa đầu năm 2021 đạt 3,2 tỉ USD, tăng 22,34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước phụ trách chi nhánh TP. HCM cho biết đây được xem là mức tăng trưởng khả quan trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19. 

Trước đó, trong 5 tháng đầu năm 2021, kiều hối về TP. HCM đạt 2,6 tỷ USD và riêng trong tháng 5/2021, lượng kiều hối chảy về địa bàn thành phố đạt 600 triệu USD. Các chuyên gia dự báo cả năm nay lượng kiều hối về TP. HCM sẽ đạt khoảng 6,5 tỉ USD, sau khi tăng 15% lên mức kỷ lục 6,1 tỉ USD vào năm ngoái. Tính hết tháng 6, lượng kiều hối đổ về thành phố đã đạt gần 50% so với số được dự báo.

6 tháng đầu năm, lượng kiều hối về TP. HCM tăng 22,34% - Ảnh 1.

6 tháng đầu năm, lượng kiều hối về TP. HCM tăng 22,34%

Theo ông Minh, kiều hối đã tăng đột biến trong đại dịch, góp phần giúp Việt Nam giữ đồng tiền ổn định một cách đáng kể. Ngoài kiều hối tăng, đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu tăng trong năm nay cũng sẽ giúp đảm bảo nguồn cung ngoại tệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách điều hành trong việc giúp các doanh nghiệp đối phó với tác động của COVID-19. Nguồn kiều hối chuyển về chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Dòng kiều hối không chỉ góp phần hỗ trợ kinh tế thành phố phát triển, mà còn là nguồn cung giúp ổn định nguồn ngoại tệ trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Về phía các ngân hàng thương mại, theo ghi nhận, lượng kiều hối chảy về qua kênh ngân hàng tiếp tục khả quan bất chấp dịch COVID-19. Như tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), trong nửa đầu năm, doanh số kiều hối tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường châu Á, châu Mỹ vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng lượng kiều hối chảy về Việt Nam qua ngân hàng này. 

Trao đổi với báo chí, ông Trần Minh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty Kiều hối Sacombank (công ty con của Sacombank), phân tích dù tình hình dịch bệnh khó khăn nhưng kiều hối về vẫn khả quan do nhiều nguyên nhân. 

Cụ thể, tình hình vắc xin tại các nước phát triển có diễn biến tốt, do đó nhiều người Việt Nam ở nước ngoài có thể đi làm và kinh doanh trở lại để tăng thu nhập. Trong khi đó, họ không thể về Việt Nam hằng năm theo kế hoạch nên chuyển tiền về thay vì mang tiền mặt về như mọi năm. "Một số thị trường như Hàn Quốc, cơ quan chức năng ngày càng cởi mở, cho phép các công ty chuyển tiền tham gia vào thị trường chuyển tiền kiều hối thay vì chỉ có ngân hàng thương mại như trước đây. Trong khi các ngân hàng như Sacombank đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ trong chuyển tiền như chuyển tiền số, chuyển tiền bằng ứng dụng điện thoại, API 24/7, giúp thời gian chuyển tiền nhanh hơn trước đây, giống như chuyển tiền trong nước" - ông Trần Minh Khoa phân tích.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính năm 2021, lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục và tăng 5,6% lên 470 tỷ USD. Tuy nhiên, triển vọng này vẫn chưa chắc chắn, phụ thuộc vào tác động của COVID-19 đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. 

Trong số liệu cập nhật ngày 21/5/2021, WB đã điều chỉnh ước tính lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 từ mức 15,7 tỷ USD trong báo cáo hồi tháng 10/2020 lên đến 17,2 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Xét theo quy mô tương đối với nền kinh tế, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 tương đương 5% GDP, cũng nằm trong top 10 thế giới.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.