6 tháng đầu năm, ngành gỗ xuất siêu 7,2 tỷ USD

Đầu tư và Tiếp thị
03:56 PM 01/07/2021

Nửa đầu năm 2021 trong khi nhiều ngành hàng gặp khó khăn vì tình hình dịch bệnh, ngành gỗ đã tăng trưởng mạnh, xuất siêu ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 67,4% so cùng kỳ năm 2020. Các chuyên gia nhận định, với nhiều yếu tố thuận lợi, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2021 có thể vượt mục tiêu xuất khẩu 14 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2021 đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6 % so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó: xuất khẩu gỗ các loại 1,76 tỷ USD, tăng 23,6%; xuất khẩu sản phẩm gỗ  đạt 6,35 tỷ USD, tăng 75,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt 0,6 tỷ USD, tăng 72,9% cả năm 2020 đạt trên 16 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt trên 1,54 tỷ USD, tăng 39% so cùng kỳ. Như vậy, 6 tháng đầu năm 2021, ngành gỗ xuất siêu ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 67,4% so cùng kỳ năm 2020.

6 tháng đầu năm, ngành gỗ xuất siêu 7,2 tỷ USD - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu quan trọng của gỗ và lâm sản Việt Nam. Giá trị xuất khẩu lâm sản vào 5 thị trường này trong 6 tháng đầu năm ước đạt trên 7,68 tỷ USD, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Trong đó: Hoa Kỳ ước đạt trên 5 tỷ USD, tăng trên 99 % so với cùng kỳ năm 2020; Nhật Bản đạt 0,73 tỷ USD, tăng 11%; Trung Quốc đạt 0,82 tỷ USD, tăng 22,9 %; EU ước đạt 0,68 tỷ USD, tăng 54 %; Hàn Quốc ước đạt 0,76 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thông lệ hàng năm, nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất bằng gỗ thường tăng mạnh vào cuối năm, để đáp ứng cho việc hoàn thiện thị trường nhà ở. Tính tới thời điểm hiện tại, phần lớn doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được các đơn hàng xuất khẩu cho tới cuối năm 2021. Nhu cầu được dự kiến tiếp tục tăng mạnh khi nền kinh tế toàn cầu vượt dịch và khởi sắc.

Kinh tế toàn cầu tiếp tục ghi nhận xu hướng hồi phục của nhiều nền kinh tế chủ chốt như: Mỹ, Trung Quốc, EU… Đây cũng là những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam.

Trong cơ cấu, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam. Theo các nhà phân phối Mỹ, khi Chính phủ Mỹ áp thuế lên nội thất Trung Quốc, các nhà nhập khẩu và phân phối tại Mỹ đã tìm kiếm các nhà cung cấp mới và Việt Nam là lựa chọn hàng đầu. Phần lớn nội thất cho phòng ngủ, nhà bếp và văn phòng đều nhập khẩu từ Việt Nam. Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh tại Mỹ trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các quốc gia phải thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, người lao động làm việc tại nhà nên họ có nhu cầu cao về trang bị bàn ghế, giường, tủ mới nhằm tạo không gian đẹp hơn. Chính vì vậy, người tiêu dùng thế giới có thêm thời gian và nguyện vọng mua sắm, tìm kiếm các sản phẩm, đồ gỗ nội thất trên mạng. Khiến cho nhu cầu đồ gỗ tăng cao ở nhiều thị trường. Trong khi đó, đồ gỗ Việt Nam rất hấp dẫn người tiêu dùng và được các doanh nghiệp tuân thủ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu minh bạch nên được khách hàng lựa chọn.

Với những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, thời gian tới các chuyên gia nhận định, nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng nhanh. Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2021 vượt mục tiêu xuất khẩu 14 tỷ USD.

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
4 tháng, lượng ô tô nhập khẩu giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị 4 tháng, lượng ô tô nhập khẩu giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị

Tổng cộng lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 44.772 chiếc với giá trị 919 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, con số này đã giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị.