6 tháng đầu năm, OCB đạt lợi nhuận trước thuế 2.560 tỷ đồng, tăng trưởng 47,2%
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu thuần đạt hơn 4.453 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ, nhờ đó lũy kế lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 2.560 tỷ đồng, tăng trưởng 47,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023. Theo đó, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng từ 1.701 tỷ lên gần 1.818 tỷ đồng, tương ứng tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, OCB đã tiết giảm chi phí hoạt động từ 775,8 tỷ xuống còn 657,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, OCB cũng trích ra hơn 128,6 tỷ vào chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (tăng gần 2 tỷ so với cùng kỳ).
OCB ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế đạt 1.576 tỷ và gần 1.261 tỷ đồng; đều tăng tới 74,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu thuần nửa đầu năm của ngân hàng đạt 4.453 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi tăng gấp đôi lên 884 tỷ đồng. Riêng đối với thu thuần dịch vụ, tăng trưởng 4,2% đạt 374 tỷ đồng nhờ đến từ thẻ và dịch vụ quản lý tài khoản, phù hợp với định hướng đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần tăng 6% so với cùng kỳ lên mức 3.568 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của OCB đạt hơn 2.560 tỷ đồng, tăng 47,2% so với 6 tháng đầu năm trước. Năm 2023, OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Với kết quả 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã hoàn thành 42,7% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của OCB đạt 211.292 tỷ đồng, tăng trưởng 8,9% so với cuối năm 2022. Một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính hợp nhất của OCB là khoản cho vay khách hàng trong 6 tháng đầu năm đã tăng lên thêm 6,4%, đạt 127.572,8 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là cho vay các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước, đạt 127.227,4 tỷ đồng.
Cho vay chiết khấu công cụ chuyển nhượng với các giấy tờ có giá tăng mạnh hơn 4 lần, đạt 88,8 tỷ đồng. Các khoản phải trả thay khách hàng đạt 7,3 tỷ đồng, cao hơn mức 3,9 tỷ đồng hồi cuối năm ngoái. Cho vay bằng vốn tài trợ, ủy thác đầu tư giảm nhẹ, từ mức 257.3 tỷ đồng xuống còn 238,9 tỷ đồng. Nợ cho vay được khoanh và nợ chờ xỷ lý giữ nguyên, ở mức 9,5 tỷ đồng.
Về chất lượng các khoản vay, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn đều tăng trong nửa đầu năm 2023. Cụ thể, nợ đủ tiêu chuẩn đạt 119.704,7 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm ngày 31/12/2022 là 114.097,5 tỷ đồng. Nợ cần chú ý tăng lên mức 3.807 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng gần gấp đôi, từ 670 tỷ đồng lên 1.309,6 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ cũng tăng gấp đôi lên 1.278 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn lên mức 1.475,6 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tính đến 30/06/2023 của OCB ghi nhận 4.601 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 2,23% đầu năm lên 3,18%.
Nhật HàQuý III/2024, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%.