6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đạt trên 18.396 tỷ đồng
Chiều 18/7, tại Hội trường UBND tỉnh, UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức Họp báo định kỳ quý II năm 2022.
Báo cáo tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, bà Phạm Thị Nở - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 18.396,8 tỷ đồng, tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch theo hướng khá tích cực; tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) là 37,66%; ngành công nghiệp và xây dựng (khu vực II) là 19,78% (trong đó công nghiệp 14,97%); các ngành dịch vụ (khu vực III) là 42,56%. So với cùng kỳ năm 2021, tỷ trọng khu vực I giảm 2,67 điểm phần trăm; khu vực II tăng 1,98 điểm phần trăm; khu vực III tăng 0,69 điểm phần trăm.
Sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định. Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản đạt 6.387,8 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,95 điểm % so với kế hoạch. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, IIP 6 tháng đầu năm 2022 cao hơn 2,3 điểm phần trăm.
Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch từng bước phục hồi và phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,6%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 365 triệu USD, tăng 10,84%; tổng lượt khách đến tham quan du lịch tại tỉnh đạt 410.000 lượt khách, đạt 68% kế hoạch, tăng 73%; doanh thu ước đạt 200 tỷ đồng, đạt 83% so với kế hoạch, tăng 18% so với năm trước.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 3.748,8 tỷ đồng, đạt 57,82% dự toán năm. Hoạt động tín dụng duy trì ổn định. Dư nợ đến cuối tháng 6/2022 đạt 40.250 tỷ đồng, tăng 9,85% so với số đầu năm; nợ xấu trên địa bàn toàn tỉnh là 650 tỷ đồng, chiếm 1,61% trên tổng dư nợ cho vay, tăng 0,48 điểm phần trăm so với số đầu năm.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm, trong thu hút đầu tư đạt được kết quả khả quan. Tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 4 dự án với tổng số vốn đăng ký tương đương 933 tỷ đồng và 9 dự án đầu tư mở rộng với số vốn đăng ký tăng thêm 891 tỷ đồng. Phát triển mới 209 doanh nghiệp; thành lập mới 10 hợp tác xã.
Ngoài ra, công tác tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được tập trung thực hiện. Qua đó, Hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.115 khách hàng với dư nợ 681 tỷ đồng.
Miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 7.615 khách hàng, với số lãi được miễn giảm là 16,55 tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh Covid-19 cho 4.511 khách hàng, với doanh số cho vay đạt 24.217 tỷ đồng. Thực hiện giảm 2% thuế VAT đối với doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ là 13,77 tỷ đồng; giảm thuế cho 149 cơ sở kinh doanh thuộc diện miễn, giảm với tổng số thuế miễn, giảm là 0,297 tỷ đồng; giảm lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP là 14 tỷ đồng.
Đã hỗ trợ cho 3.055 cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh vay vốn với kinh phí 131,86 tỷ đồng để giải quyết việc làm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 492 lượt người lao động, với kinh phí hỗ trợ là 249 triệu đồng. Huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng được tập trung. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 7.715,5 tỷ đồng, đạt 48,83% kế hoạch, tăng 11,88% so với cùng kỳ.
Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản được thực hiện nghiêm; việc giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Công tác quản lý môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, chăm lo cho người có công luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện; an sinh xã hội được đảm bảo, đặc biệt là chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 kịp thời, hiệu quả.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 12.377 lao động, trong đó đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 593 lao động. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chi hỗ trợ cho 2.148 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ với số tiền 6,6 tỷ đồng. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng số người tham gia BHYT còn giá trị sử dụng đạt 90,6%.
Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị được tổ chức với hình thức phù hợp với diễn biến dịch Covid-19. Đặc biệt, là tổ chức thành công các hoạt động mừng Xuân Nhâm Dần 2022, Lễ kỷ niệm 290 năm thành lập Long Hồ dinh, 190 năm thành lập tỉnh Vĩnh Long, 30 năm tái lập tỉnh Vĩnh Long, 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Cố Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Phạm Hùng…
Quốc phòng, An ninh được đảm bảo, không xảy ra "điểm nóng" phức tạp về ANTT. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân được đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm, công tác đối ngoại hội nhập đã vận động được khoảng 12,5 tỷ đồng.
Văn Dương - Hồng ÂnViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.