Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 2/2023 và 6 tháng đầu năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố, 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,81 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 22,06 tỷ USD.
6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,41 tỷ USD, giảm 11,9%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 121,04 tỷ USD, giảm 12,2%, chiếm 73,6%. Trong 6 tháng đầu năm 2023 có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 144,82 tỷ USD, chiếm 88,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 13,4 tỷ USD, chiếm 8,1%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 4,13 tỷ USD, chiếm 2,5%.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD. Cụ thể, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 37,2 tỷ USD giảm 24.9% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 14,5 tỷ USD, giảm 9,8%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,2 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,7 tỷ USD)...
Quý 2 năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,4 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,9% so với quý 1 năm 2023.
Riêng tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 2 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có xu hướng tăng trưởng sau thời gian dài giảm sâu nhờ tác động của hoạt động xúc tiến thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 53,22 tỷ USD, giảm 19%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98,98 tỷ USD, giảm 17,8%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 có 28 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 84,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 38,1%).
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 142,66 tỷ USD, chiếm 93,7%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 9,54 tỷ USD, chiếm 6,3%.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,1 tỷ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc 24,5 tỷ USD, giảm 30,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 13,4 tỷ USD, giảm 34,8%; nhập siêu từ ASEAN 4 tỷ USD, giảm 39,1%.
Trong quý 2 năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 76 tỷ USD, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,2% so với quý 1 năm 2023.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2023 tiếp tục là gam màu sáng trong bức tranh xuất nhập khẩu, ước đạt 26,71 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,41 tỷ USD, tăng 1,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,30 tỷ USD, tăng 3,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6 giảm 16,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 19,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,2%.
Xuất khẩu rau quả, đặc biệt mặt hàng trái cây đang có sự tăng trưởng ấn tượng, nhất là trong bối cảnh nhiều nhóm hàng chủ lực sụt giảm.
Tháng 6/2023, xuất khẩu rau quả “bùng nổ” mạnh mẽ, với mức tăng gấp 2,7 lần so với tháng 6/2022, đã đưa kim ngạch lên tới 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng. Đây là con số gần như “không tưởng”, bởi từ trước tới nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả bình quân mỗi tháng luôn dao động dưới 300 triệu USD.
Xuất khẩu rau quả có mức tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: Internet
Phân tích về thị trường, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam thì Trung Quốc dẫn đầu với gần 63,5% thị phần, tăng hơn 12,4% so cùng kỳ năm ngoái (kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm). Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan đều tăng trưởng tốt. Riêng xuất khẩu rau quả sang thị trường Mỹ ghi nhận mức sụt giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các doanh nghiệp, rau quả Việt xuất khẩu tăng cao nhờ Trung Quốc tăng thu mua. Đặc biệt, các Nghị định thư đã ký với nước này trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều thuận lợi. Năm nay, dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng với chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên hàng Việt được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, nguyên nhân giúp xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh là nhờ Trung Quốc tăng mua sau khi chính sách “Zero COVID” được thực thi. Đây là năm đầu tiên sau 3 năm đại dịch các mặt hàng như thanh long, sầu riêng, xoài, mít được Trung Quốc đẩy mạnh thu mua.
Trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì con số 5 tỷ USD sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nửa đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, nhóm nông sản chính xuất khẩu đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi đạt 232 triệu USD, tăng 26,5%; thuỷ sản đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính đạt 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%; đầu vào sản xuất đạt 940 triệu USD, giảm 28,9%; muối đạt 2,4 triệu USD, giảm 14,2%.
Đóng góp vào kết quả đó có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ.
Cụ thể, 6 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt 2,4 tỷ USD; cao su đạt 1,05 tỷ USD; gạo đạt 2,3 tỷ USD; rau quả đạt 2,75 tỷ USD; hạt điều đạt 1,6 tỷ USD; tôm đạt 1,56 tỷ USD; sản phẩm gỗ đạt 4,07 tỷ USD.
Trong đó, gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị. Cụ thể, xuất khẩu gạo tăng 22,2% khối lượng và tăng 34,7% giá trị xuất khẩu; xuất khẩu hạt điều tăng 10,5% khối lượng và tăng 7,7% giá trị xuất khẩu; riêng cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; chủ động dự báo, tranh thủ cơ hội từ FTAs để thúc đẩy xuất khẩu.
Đồng thời, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là đối với các nông sản vào vụ thu hoạch.