6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 25 tỷ USD
Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng đầu năm đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Thặng dư thương mại đạt 4,63 tỷ USD.
Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng hơn 26%. Thủy sản đạt hơn 4,1 tỷ USD, giảm hơn 27%; lâm sản chính đạt 6,5 tỷ USD, giảm 28%.
7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm và sản phẩm gỗ. Cụ thể, 6 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt 2,4 tỷ USD; cao su đạt 1,05 tỷ USD; gạo đạt 2,3 tỷ USD; rau quả đạt 2,75 tỷ USD; hạt điều đạt 1,6 tỷ USD; tôm đạt 1,56 tỷ USD; sản phẩm gỗ đạt 4,07 tỷ USD.
Trong đó rau quả, gạo và hạt điều là những sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể: Rau quả tăng 80%; gạo (tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% giá trị xuất khẩu), hạt điều (tăng 10,5% khối lượng và tăng 7,7% giá trị xuất khẩu) so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu rau quả tháng 6/2023 ước tính đem về gần 0,95 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với tháng 6/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 2,8 tỷ USD.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết xuất khẩu gạo trong tháng 6/2023 đem về 300 triệu USD. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu gạo được 4,2 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,32 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022 (489 USD/tấn).
Gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường ngày càng đa dạng, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỉ trọng sản phẩm chất lượng, giá trị gia tăng cao, thâm nhập được vào nhiều thị trường gạo cao cấp.
Hạt điều trong nửa đầu năm 2023 cũng tăng trưởng ấn tượng, đạt 1,6 tỷ USD, tăng 7,7% về giá trị so với 6 tháng đầu năm 2022.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,2% trong tổng kim ngạch của ngàng, nhưng giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm dù không được như năm 2022 nhưng cũng đã có khởi sắc, cho thấy tín hiệu hồi phục tích cực từ các thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tìm mọi cách để vượt khó, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD của năm nay.
Thủy sản và nhóm đồ gỗ là 2 nhóm hàng gặp khó khăn trong xuất khẩu 6 tháng đầu năm, khi sức mua tại các thị trường chính như Hoa Kỳ hay EU suy giảm. Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn đã được Chính phủ và các bộ ngành triển khai. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tập trung chế biến sâu, tiết giảm chi phí sản xuất để giữ đơn hàng và các thị trường chủ lực.
Xuất khẩu nông sản được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng cao trong những tháng tới do nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới đều tăng. Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ có nhiều thuận lợi nhờ các Nghị định thư đã ký với nước này, nếu các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu thị trường theo hướng thực hành sản xuất tốt.
Với nhiều tín hiệu tích cực từ các thị trường xuất khẩu, vấn đề đặt ra cho các ngành hàng và doanh nghiệp là cần chủ động về thông tin, thúc đẩy sản xuất, tận dụng cơ hội để phục hồi xuất khẩu. Ngành nông nghiệp tiếp tục giữ vững mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm đạt 54 tỷ USD.
Thương Huyền (t/h)Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.