6 tháng đầu năm, xuất khẩu than tăng nhẹ về lượng nhưng giảm mạnh về giá
Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu than đạt 211.573 tấn, tương đương hơn 59 triệu USD, tăng nhẹ về lượng nhưng giảm mạnh về giá trị so với cùng kỳ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu than của Việt Nam trong tháng 6 đạt 98.682 tấn, tương đương 67,8 triệu USD, tăng đột biến tới 9.063% về lượng và tăng 11.000% về giá trị so với tháng trước. So với tháng 6/2023, xuất khẩu than tháng này giảm 37% về lượng và giảm 50% về giá trị.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu than đạt 211.573 tấn, tương đương hơn 59 triệu USD, tăng 2,1% về lượng nhưng giảm 24,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 279 USD/tấn, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của than Việt Nam trong 2 quý đầu năm, đạt 56.093 tấn, tương đương 15,7 triệu USD, giảm 41% về lượng và giảm 53% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân đạt 280 USD/tấn, giảm 21% so với cùng kỳ 2023.
Đứng thứ 2 là Philippines, đạt 49.660 tấn, tương đương hơn 11 triệu USD, tăng đột biến 32.571% về lượng và tăng 17.862% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 223 USD/tấn, giảm 45% so với cùng kỳ.
Tính riêng tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này 27 nghìn tấn than, tương đương hơn 6 triệu USD. Trong khi đó, đảo quốc này không thực hiện nhập khẩu than trong tháng 6/2023.
Hà Lan là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 trong nửa đầu năm, với 22.843 tấn, trị giá 7,3 triệu USD. Giá xuất khẩu đạt 320 USD/tấn, cao hơn nhiều so với giá bình quân toàn thị trường.
Theo báo cáo mới nhất, Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế có mức tiêu thụ than đá cao nhất ở Đông Nam Á. Theo Tổng cục Thống kê, trữ lượng than đá tại Việt Nam có khoảng 50 tỷ tấn. Quảng Ninh là mỏ than quan trọng bậc nhất tại Việt Nam. Các mỏ than tại đây bắt đầu được đưa vào khai thác từ năm 1839. Trữ lượng lên tới 8.7 tỉ tấn cùng vị trí sát biển thuận tiện cho việc vận chuyển than đến thị trường quốc tế đã giúp cho Quảng Ninh trở thành khu vực khai thác than hàng đầu cả nước.
Bộ Công Thương cho biết, dự kiến khả năng huy động than tăng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 đạt từ 43-47 triệu tấn than thương phẩm/năm. Sau đó, giảm dần vào giai đoạn 2035-2045.
Theo dự báo, nhu cầu than sẽ ngày càng tăng cao đến năm 2035 từ 94-127 triệu tấn/năm, chủ yếu do sự gia tăng nhu cầu cho sản xuất điện và các ngành kinh tế như xi măng, luyện kim, hóa chất, sau đó sẽ giảm dần còn từ 73-76 triệu tấn vào năm 2045.
Trong khi đó, than thương phẩm sản xuất trong nước chỉ duy trì khoảng 45-47 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2025-2035 và giảm dần còn 42-44 triệu tấn/năm vào 2045. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu than phục vụ sản xuất, dự kiến sẽ phải nhập khẩu khoảng 50-83 triệu tấn vào giai đoạn 2025-2035 và giảm dần còn khoảng 32-35 triệu tấn vào năm 2045.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.