6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19%
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi tăng mạnh trên 20% trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 6/2025 vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng mức tăng khiêm tốn chỉ còn 4%, đạt 876 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm nay, chiếm thị phần lần lượt là 19,6%, 18,2% và 15%.
Trong đó, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Mỹ trong tháng 6/2025 đã giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng, xuất khẩu sang Mỹ đạt 891 triệu USD, vẫn tăng 16% nhờ đợt “tăng tốc” giao hàng trước mốc 9/7 - thời điểm Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng mới. Tuy nhiên, từ tháng 6, nhiều doanh nghiệp đã chủ động dừng xuất khẩu sang Mỹ để tránh rủi ro bị đánh thuế cao.

Ảnh minh họa: Internet
Xuất khẩu sang EU chững lại, giảm nhẹ 1%. Tại khu vực Trung Đông, xuất khẩu giảm mạnh 16% do ảnh hưởng của chiến sự. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Israel - thị trường tiêu thụ lớn cá ngừ hộp giảm hơn 50%.
Ở chiều ngược lại, thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong tháng 6, tăng từ 15% đến gần 28%.
Phó Tổng thư ký VASEP thông tin, cá ngừ là nhóm sụt giảm mạnh nhất trong tháng 6, giảm hơn 31% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu cá ngừ giảm gần 2%. Trong khi đó, tôm và cá tra tăng trưởng chậm lại, do cũng bị ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ. Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu tôm đạt 2,07 tỷ USD (tăng 26%), cá tra đạt 1 tỷ USD (tăng 10%).
Ngành cá tra có phần lạc quan hơn khi mới đây Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng kỳ rà soát POR20, với 7 doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%. Nếu mức thuế đối ứng sắp tới được kiểm soát tốt, đây có thể là cơ hội để cá tra Việt Nam bứt phá.
VASEP đưa ra hai kịch bản dự báo cho xuất khẩu thuỷ sản trong nửa cuối năm 2025.
Kịch bản 1 - Thuế đối ứng của Mỹ sau 9/7 là 10%: Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 có thể giảm còn khoảng 9,5 tỷ USD, giảm 500 triệu USD so với dự báo trước đó. Các thị trường khác như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và EU có thể hấp thụ một phần hàng hóa điều tiết từ Mỹ.
Kịch bản 2 - Thuế đối ứng trên 10%, xuất khẩu có nguy cơ giảm sâu chỉ còn 9 tỷ USD hoặc thấp hơn. Hoa Kỳ sẽ không còn là thị trường ổn định, nhất là với các mặt hàng có chuỗi cung ứng phức tạp.
Phó Tổng thư ký VASEP nhận định, trong kịch bản xấu nhất, cạnh tranh từ các quốc gia có thuế thấp hơn như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia sẽ trở nên gay gắt hơn. Cơ hội sẽ dịch chuyển sang các thị trường trung lập như Nhật Bản, EU và ASEAN, nhưng khả năng bù đắp là có hạn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu chưa phục hồi mạnh. Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp đang chủ động tái cấu trúc, tìm kiếm thị trường thay thế và đầu tư vào các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng.
Huyền My (t/h)
Hai cái tên xuất sắc - đội Z121 Vina Pyrotech (Việt Nam) và đội Jiangxi Yanfeng (Trung Quốc) sẽ chính thức tranh tài trong đêm chung kết DIFF 2025 diễn ra vào 20h tối ngày 12/7. Cùng nhìn lại những khoảnh khắc “xứng danh anh tài” của hai đội thi trong vòng loại.