6 tháng xuất khẩu thủy sản mang về gần 6 tỷ USD
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với nửa đầu năm 2021.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng chững lại nhưng xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 6/2022 vẫn mang về hơn 1 tỷ USD, tương đương với tháng 5/2022 và tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trong quý 2/2022, xuất khẩu thuỷ sản của cả nước đã ghi nhận doanh số trên 3,2 tỷ USD, cao hơn gần 36% so với 2,4 tỷ USD cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam ước đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với nửa đầu năm 2021.
Trong đó, 2 mặt hàng là tôm và cá tra được tiêu thụ nhiều nhất. Xuất khẩu khởi sắc nên nhiều doanh nghiệp thủy sản đang khá lạc quan về thị trường. Dựa trên tương quan giữa cơ hội thị trường và thực trạng sản xuất hiện nay, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2022 sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2021.
Tuy nhiên theo VASEP, thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu nên doanh số xuất tôm trong tháng 6/2022 chỉ duy trì mức tăng trưởng khiêm tốn 7%, đạt 450 triệu USD. Luỹ kế nửa đầu năm 2022, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ và chiếm 40% tổng xuất khẩu thuỷ sản.
Lạm phát giá và thiếu nguyên liệu là một bài toán khó cho doanh nghiệp tôm trong giai đoạn hiện nay. Trong khi đó, tôm chân trắng tươi/đông lạnh size nhỏ vẫn được ưa chuộng trong giai đoạn khủng hoảng lạm phát này nhờ giá bán bình ổn.
Một số doanh nghiệp cũng chọn giải pháp tăng tỷ lệ tôm chế biến giá trị gia tăng để xuất khẩu sang những thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, EU nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm nguyên liệu. Xuất khẩu tôm chân trắng chế biến nửa đầu năm tăng 17%, trong khi xuất khẩu tôm tươi/đông lạnh tăng 21%.
Về mặt hàng cá tra, trong tháng 6/2022, xuất khẩu cá tra vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 54% so với cùng kỳ, đạt gần 220 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của cả nước đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 25% doanh số xuất khẩu thuỷ sản. Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra sang Anh nửa đầu năm nay tăng đột phá gấp 6 lần cùng kỳ; xuất khẩu sang Tây Ban Nha tăng gấp gần 3 lần; xuất khẩu sang Pháp, Hà Lan, Đức, Bỉ đều tăng 45-90%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm tăng trưởng tốt thể hiện sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, biết chớp thời cơ để gia tăng xuất khẩu. Chẳng hạn, lạm phát và chiến sự Nga – Ukraine lại là cơ hội cho cá tra trong năm 2022. Nhiều thị trường lớn thiếu cá thịt trắng, nhất là cá tuyết, như thị trường EU, Mỹ, Anh do lệnh trừng phạt với Nga, nhiều nhà hàng ở các thị trường này đã phải bỏ cá tuyết ra khỏi thực đơn. Cá tra có cơ hội giành thị phần tại những thị trường này.
Theo VASEP, năm 2022 là năm đánh dấu sự phục hồi trở lại của doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam với nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, trực tiếp là Hội chợ Thuỷ sản tại Boston Hoa Kỳ vào giữa tháng 3 và tiếp đó là Triển lãm Thuỷ sản toàn cầu tại Barcelona Tây Ban Nha. Đây là một cú huých giúp cho xuất khẩu thuỷ sản tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2022. Liên tục từ tháng 3 đến nay đều ghi nhận xuất khẩu thủy sản doanh số trên 1 tỷ USD/tháng, kỷ lục là trên 1,1 tỷ USD trong tháng 4, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2021.
Huyền My (T/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.