60 năm thành lập Vĩnh Thuận: Bài 2: Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thuận đoàn kết một lòng giải phóng miền Nam

Địa phương
11:11 AM 23/01/2024

Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thuận đoàn kết một lòng, tập trung vào việc đánh phá bình định lấn chiếm bằng ba mũi giáp công, lấy xã ấp làm địa bàn chính để đánh địch. Địch càng hung hăng đánh chiếm thì quân ta càng chiến thắng, tin chiến thắng của Quân và Dân ta vang dội khắp nơi buộc địch phải buông súng đầu hàng, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.

Đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị võ trang kết hợp ba mũi giáp công đánh bại âm mưu gom dân lập ấp chiến lược của địch (1961- 1965)

Trước cao trào nổi dậy và "đồng khởi" của nhân dân miền Nam, Mỹ - Ngụy không cam tâm chịu thất bại, từ chiến tranh đơn phương chuyển sang chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chánh (11-1963) kế hoạch Stalây-Taylo bị phá sản (Bình định) miềm Nam trong vòng 18 tháng. Để cứu vãn tình thế chúng đề ra kế hoạch Mắc-na-ma-ra vào tháng 3/1964 dự tính bình định miền Nam trong vòng 2 năm 1964-1965. 

Một góc đô thị trung tâm huyện.

Khu di tích Vườn tràm Bang Biện Phú, thị trấn Vĩnh Thuận được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Để thực hiện kế hoạch đó, đối với địch ở chi khu Kiên Long, chúng ra sức củng cố chi khu, đồn bót, bộ máy chính quyền tăng cường hoạt động do thám, gián điệp, đưa thêm nhiều tên cố vấn Mỹ đến chỉ huy tăng cường thêm quân chủ lực phối hợp với Bảo an dân vệ mở nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô từ cấp trung đoàn trở lên đánh vào vùng căn cứ của ta, chúng sử dụng máy bay chiến đấu, trực thăng đổ quân, nhảy dù, xe lội nước chà đi xát lại, bắn phá, ném bom tàn phá ruộng vườn hòng tiêu diệt du kích, bộ đội, cơ quan lãnh đạo và nhân dân trong vùng kháng chiến; chúng lập "ấp chiến lược" kèm kẹp nhân dân tách Đảng ra khỏi Nhân dân mà chúng gọi là " tát nước bắt cá".

Để lãnh đạo phong trào cách mạng và nhân dân đánh bại kế hoạch tái lập ‘ấp chiến lược" của địch và lãnh đạo phong trào cách mạng lâu dài, Tỉnh uỷ thành lập huyện Vĩnh Thuận vào tháng 1 năm 1964 gồm 4 xã: Vĩnh Phong, Vĩnh Thuận, Vĩnh Bình, Vĩnh Hoà và chỉ định Huyện uỷ gồm 6 đồng chí, đồng chí Trương Văn Trường (Hai Thiết) làm Bí thư phụ trách chung. Toàn huyện lúc bấy giờ có 140 đảng viên, các xã đều có chi uỷ từ 5 đến 7 đồng chí. 

Các ban ngành, đoàn thể cấp huyện lần lượt được hình thành: Tổ chức, Tuyên huấn, Ban Chỉ huy Huyện đội, An ninh, Binh vận, Dân y, Giao bưu và Uỷ ban Mặt trận, Ban chấp hành các đoàn thể Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên. Việc thành lập huyện Vĩnh Thuận là một sự kiện lịch sử của Đảng bộ, có vai trò quan trọng lãnh đạo quân dân trong huyện tiếp tục tấn công địch và xây dựng lực lượng của ta đưa phong trào cách mạng tiến lên mạnh mẽ.

Sau khi huyện Vĩnh Thuận được thành lập, quân và dân huyện Vĩnh Thuận mở nhiều cuộc tấn công địch. Đêm ngày 11 rạng sáng 12/4/1964 ta nổ súng tiêu diệt chi khu Kiên Long gồm một số đồn, dinh quận, đồn Ba Góc và nhiều nơi khác làm địch tiêu hao nhiều lực lượng và vũ khí. Trên địa bàn huyện có nhiều căn cứ cách mạng, cơ quan trung ương ở miền Nam trong suốt kháng chiến có thể nói nơi đây đã xây dựng được căn cứ kháng chiến gắn với căn cứ lòng dân. 

Trong suốt chiều dài kháng chiến chống Mỹ nhiều cán bộ lãnh đạo trung ương đã từng có thời gian sinh sống và hoạt động cách mạng trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận như đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Võ Văn Kiệt, đồng chí Đồng Văn Cống. Từ năm 1966 đến 1969 căn cứ Tỉnh uỷ Rạch Giá nay là Kiên Giang đóng tại ấp Xẻo Gia xã Vĩnh Bình Bắc huyện Vĩnh Thuận, trong thời gian hoạt động tại đây các lãnh đạo Tỉnh uỷ thực hiện tốt phương châm ba cùng "ăn cùng dân, ở cùng dân, chiến đấu cùng dân", lấy dân làm căn cứ quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, sau khi huyện Vĩnh Thuận được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ đảng viên đến Nhân dân về truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân ta từ thời bị nô lệ đứng lên đấu tranh giành được độc lập, tự do; hôm nay dưới chế độ tàn độc của đế quốc Mỹ - Diệm đã gây ra bao nhiêu tội ác, đao thương tang tóc cho đồng bào ta, Nhân dân ta trong có cả những người thân yêu của chúng ta, tuyên truyền sâu rộng cho Nhân dân hiểu được âm mưu, thủ đoạn, hành động của địch.

Chủ trương của Đảng ta là xây dựng kế hoạch xã, ấp chiến đấu, xây dựng vùng căn cứ chiến đấu, từ đó đảng viên, Nhân dân hăng hái tham gia thành các phong trào sôi nổi, đắp hầm trong nhà chống ô-buýt, đào hầm ngoài vườn tránh máy bay bắn phá, nén bơm, đào chiến hào, công sự chiến đấu, đắp mộ, trồng cây tạo địa hình, cặm cây ngoài đồng trống, giăng dây chống máy bay trực thăng đổ quân, nhảy dù, làm chướng ngại vật trên đường, trên sông rạch, cấm bảng tử địa, gài hàng trăm ngàn chông cây, chông đinh đạp lôi, nhiều người dân tự đánh địch bằng vũ khí thô sơ, vừa đấu tranh chống địch cướp giật, bắn phá đòi bồi thường tính mạng, tài sản, vừa tuyên truyền vận động binh sĩ "đời làm lính cực khổ chết chóc, xa cha mẹ, vợ con, còn bị chỉ huy đánh đập, bắt buộc bắn giết đồng bào, gây cảnh đao thương tang tóc, ra trận đánh với bộ đội Việt cộng chết chóc cho ai?, nên về sum họp gia đình khỏi chết uổng mạng vô ích"… phần nào đã làm lay chuyển tinh thần, hoang mang, sa sút ý chí của những người tham gia chống cộng.

Lực lượng du kích của ta phát triển rộng khắp ở tất cả các ấp trên địa bàn huyện với kết hợp với bộ đội chủ lực và địa phương quân huyện, dân công hỏa tiến đã làm thất bại nhiều cuộc tấn công, càn quét, tiêu diệt hàng ngàn tên địch trong đó có cả cố vấn Mỹ, hàng ngàn tên bị thương, bị bắt sống và đầu hàng, tiêu diệt nhiều đồn bốt của địch, bộ đội ta bắn rơi nhiều máy bay, trực thăng, thu giữ nhiều loại súng và vũ khí các loại phá vỡ nhiều ấp chiến lược làm tổn thất lớn cho địch. 

Có thể nói phong trào đấu tranh chính trị, xây dựng xã ấp chiến đấu, bảo vệ căn cứ kháng chiến, giải phóng nông thôn vươn lên khá mạnh, tương quan lực lượng đã làm thay đổi rõ rệt, có lợi cho ta, bất lợi cho địch, từ đó góp phần chiến thắng Tổng tấn công và nổi dậy trong tết Mậu Thân 1968.

Vĩnh Thuận sau 60 năm hình thành và phát triển.

Một góc đô thị trung tâm huyện.

Xây dựng căn cứ hậu phương quân đội và tổng tấn công, nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, giải phóng toàn diện huyện Vĩnh Thuận 1975

Đảng ta xác định: Mỹ đang thực hiện "chiến tranh cục bộ" ở miền Nam, nhưng tính chất và mục đích cuộc chiến tranh của Mỹ vẫn không thay đổi, vẫn là xâm lược và thực hiện chủ nghĩa thực dân mới". Phương châm chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam là "Đánh lâu dài dựa vào sức mình là chính, càng đánh, càng mạnh", đồng thời cần cố gắng cao độ tập trung lực lượng cả 2 niềm để tranh thủ thời cơ mỡ những trận chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh, giành thắng lợi quyết định", tiếp tục phát huy phương châm đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, triệt để vận dụng linh hoạt ba mũi giáp công trong giai đoạn mới của cuộc chiến tranh.

Chiến trường miền Tây Nam Bộ nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng trong đó có huyện Vĩnh Thuận. Mỹ tăng cường cố vấn quân sự cho tiểu khu, chi khu, trang bị vũ khí, đạn dược, máy bay, tàu chiến, xe bọc thép, chất độc hóa học… làm chỗ dựa cho ngụy quân, ngụy quyền. Bắt đầu chúng thực hiện "Bình định và tìm diệt", bằng những thủ đoạn tàn bạo và xảo quyệt; chúng dùng bom đạn và chất hoá học đánh phá ác liệt vùng căn cứ kháng chiến, vùng giải phóng để tách dân ra vùng kềm và phá hậu cần nhân dân của ta. 

Chúng mở nhiều cuộc hành quân, càn quét lớn cấp tiểu đoàn, trung đoàn, chúng bắt bớ, bắn giết nhân dân ta, tàn phá xóm làng, ruộng vườn, đốt phá nhà cửa, lúa thóc của nhân dân; chúng tăng cường chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, chiêu hàng, mua chuộc, lừa mị nhân dân; chúng lập nhiều "khu định cư" ở thị trấn và các trục giao thông chính để dồn dân vùng giải phóng ngán ngại bom đạn Mỹ chạy ra mà chúng gọi là những người "tị nạn cộng sản". Tại đây chúng tung tiền bạc, gạo thóc, vải vóc, thuốc men… để mua chuộc nhân dân.

Trước âm mưu "Bình định tìm diệt" của địch gây rất nhiều khó khăn cho ta, cho nên Huyện uỷ ra lệnh phát động toàn Đảng bộ và quân dân trong toàn huyện đoàn kết chung sức, chung lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách quyết tâm đánh bại âm mưu của địch mà cụ thể là đánh bại các cuộc càn quét "tát dân và tìm diệt" du kích, bộ đội Huyện, Tỉnh, Khu và các cơ quan tỉnh, khu đóng trên địa bàn huyện. Về phía ta tiếp tục vận động xây dựng căn cứ hậu phương vững chắc cung cấp người, của cho kháng chiến chống Mỹ cứu nước, " ra sức xây dựng lực lượng địa phương quân huyện, du kích xã ấp và lực lượng chính trị, binh vận; đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh, đấu tranh chính trị và binh vận, tấn công địch mạnh mẽ hơn nữa đồng thời chuẩn bị mọi mặt khi có thời cơ tấn công và nổi dậy tiêu diệt đồn bót, chi khu giành chính quyền về tay nhân dân".

Từ lời phát động của Huyện uỷ như là lời hiệu triệu đến với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nêu cao lòng hận thù sâu sắc, quyết tâm giết giặc giải phóng cho quê hương. Về phía địch ra sức thực hiện âm mưu "Bình định, tìm diệt" tổ chức đánh phá, càn quét với quy mô lớn, dùng các loại vũ khí chiến đấu máy bay, xe lội nước.

Đối với ta tiếp tục đẩy mạnh tiến công đánh địch, tiêu biểu là trận bao vây đánh sát chi khu Kiên Long, tiếp đến là các trận đánh xã Vĩnh Hoà, Vĩnh Bình, Vĩnh Thuận và trận chiến thắng Kè Một của tiểu đoàn 207 giáng một đòn đau vào âm mưu "Bình định, tìm diệt" làm cho quân ngụy giảm lòng tin vào sức mạnh của không lực Hoa Kỳ sa sút ý chí chiến đấu. Cùng với phong trào chiến đấu giết giặc Đảng ta còn phát động nhiều phong trào để củng cố và ủng hộ cho phong trào cách mạng như: Phong trào trong nhân dân và du kích, cơ quan thi đua sôi nổi tìm kiếm bom mìn, đạn pháo, bom lép… về cải tiến thành chất nổ, gài diệt địch. Công trường huyện thì sưu tầm bom, hỏa tiễn của địch bắn, ném không nổ về cải tiến thành pháo bắn vào đồn địch hoặc lấy bơm lép lên Tỉnh đổi lấy đạn và chất nổ trang bị cho du kích, địa phương quân để đánh địch. 

An ninh tỉnh phối hợp với an ninh huyện, xã tổ chức các phiên tòa xét xử một số tên gián điệp phản động được đông đảo nhân dân đến dự, thấy được âm mưu thủ đoạn hoạt động gián điệp của địch và hoan nghênh chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng của ta kiên quyết trừng trị những tên gây nhiều tội ác với nhân dân; khoan dung những người thấy được tội lỗi, hối cải từ bỏ đi lính cho địch quay về sum họp với gia đình.

Khu di tích Vườn tràm Bang Biện Phú, thị trấn Vĩnh Thuận được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Vĩnh Thuận sau 60 năm hình thành và phát triển.

Đồng thời có tác dụng giáo dục cho cán bộ và nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, tăng cường phòng gian bảo mật, bảo vệ cơ quan, bộ đội an toàn, giữ gìn trật tự an ninh xóm ấp. Phong trào nông dân bám trụ sản xuất cũng quyết liệt hơn, tổ chức vạn dần đổi công, đoàn kết tương trợ giúp nhau về vốn, gióng, nhân công, lúa ăn để làm mùa, củng cố vững chắc hầm cũ và đào thêm hầm tránh máy bay, ngày sản xuất không được thì làm cả ban đêm, nhờ vậy mà luôn giữ vững được diện tích sản xuất, tăng sản lượng, đời sống ngày càng được nâng lên. 

Mặt trận, các đoàn thể quần chúng được củng cố xây dựng nâng lên cả số lượng, chất lượng; vai trò của Mặt trận lúc bây giờ nổi lên hoạt động tích cực, giáo dục, động viên đoàn viên hội viên và nhân dân tham gia ngày càng nhiều trong các phong trào du kích chiến đấu, xây dựng xã ấp chiến đấu, tòng quân giết giặc, bao vây đồn bót, đi dân công hỏa tiến, thanh niên xung phong tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược…ở tuyến đường 1C đầy gian khổ và hy sinh nhưng anh chị em đã vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Trường học, nhà bảo sanh, trạm y tế được củng cố và xây dựng thêm. Phong trào văn nghệ của huyện, xã được thành lập và hoạt động phục vụ nhân dân; chợ được thành lập tiệm, quán mọc lên mua bán đông vui, không có trộm cắp. Chi bộ thì đảng viên phát triển đông hơn, từ chi bộ chuyển thành xã bộ, từ 40 đảng viên trở lên có xã uỷ, từ 7 đến 9 xã uỷ viên; tổ đảng ấp chuyển thành chi bộ, chi uỷ có từ 2 đến 3 chi uỷ viên. Từ các phong trào hoạt động hiệu quả, các tổ chức ngày càng phát triển lớn mạnh trên mọi phương diện để sẵn sàng đấu tranh giành chính quyền, góp phần vào thắng lợi tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân toàn miền Nam vang dội khu vực và thế giới.

Sau thất bại của cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa mùa Xuân năm 1968 của quân và dân miền Nam, "chiến tranh cục bộ’ của Mỹ - Ngụy thất bại, Mỹ lại tiến hành chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh", "Thay màu da trên xác chết". Để thực hiện được âm mưu chiến lược bọn chúng đã dùng những thủ đoạn chính trị và ngoại giao xảo quyệt, cùng một lúc thực hiện ba kiểu chiến tranh: Giành dân, bóp nghẹt và huỷ diệt hết sức tàn khốc và thâm độc; chúng tập trung tăng cường lực lượng với quyết tâm bình định, đánh lấn chiếm lõm căn cứ quan trọng ở một số tỉnh lân cận và càn quét lấn chiếm U Minh Thượng và U Minh Hạ.

Về lực lượng chúng tăng cường với số lượng đông và kinh nghiệm như: thuỷ quân, lục quân, không quân, điều động lực lượng sư đoàn, lữ đoàn, lực lượng Bảo an ở các nơi tiếp tục đóng đồn bót dày đặc ở tất cả các nơi. Về trang bị phương tiện và vũ khí chiến đấu, chúng tăng cường máy bay, trực thăng các loại, xe lội nước, xe thiết giáp, hạm đội, tàu chiến, đại bác; tăng cường vũ khí hiện đại hơn để chiến đấu với bộ đội ta; tàn độc hơn là chúng dùng chất độc hoá học triệt tiêu mà đến bây giờ người dân trong vùng bị ảnh hưởng hậu quả nặng nề.

Về phía ta lực lượng ngày càng lớn mạnh, vũ khí được trang bị nhiều hơn, cùng với được sự ủng hộ, giúp đỡ, che chở của nhân dân tạo được động lực, khí thế, lòng căm thù giặc sâu sắc, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thuận đoàn kết một lòng, tập trung vào việc đánh phá bình định lấn chiếm bằng ba mũi giáp công, lấy xã ấp làm địa bàn chính để đánh địch. Địch càng hung hăng đánh chiếm thì quân ta càng chiến thắng, tin chiến thắng của Quân và Dân ta vang dội khắp nơi buộc địch phải buông súng đầu hàng, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam…

Văn Dương (lược ghi)
Ý kiến của bạn
Sa Pa tấp nập khách đến du ngoạn Lễ hội Hoa hồng Fansipan ngay ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 Sa Pa tấp nập khách đến du ngoạn Lễ hội Hoa hồng Fansipan ngay ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4

Lễ hội Hoa hồng năm 2024 với quy mô lớn nhất Tây Bắc đã chính thức khai mạc tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Sa Pa) sáng 27/4, thu hút hàng ngàn lượt khách đến Sa Pa ngay trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5.