65,3% người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn món ăn, đồ uống theo "trend"
Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 của iPOS.vn tiết lộ 65,3% người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn món ăn, đồ uống ưa thích theo xu hướng. Nghĩa là, cứ 3 người Việt thì có 2 người từng "đu trend" ẩm thực. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của các trào lưu ẩm thực trong thời đại ngày nay.
Theo tin tức từ Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực (F&B) tại Việt Nam năm 2023 từ iPOS (doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp quản lý chuyên biệt dành riêng cho nhà hàng, cà phê), con số thể hiện nhu cầu "bắt trend" trào lưu ăn uống của người Việt khiến nhiều người bất ngờ.
Báo cáo khảo sát dựa trên kết quả nghiên cứu chuyên sâu từ gần 3.000 chủ doanh nghiệp F&B và gần 4.000 thực khách với nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau… Đồng thời, sử dụng và tham chiếu các số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường cùng các nguồn thông tin uy tín quốc tế, ý kiến và nhận định của các chuyên gia.
Cụ thể, báo cáo chỉ ra có tới 65,3% người tiêu dùng Việt Nam tham gia trào lưu ăn uống với việc lựa chọn món ăn, đồ uống theo trend. Như vậy, cứ 3 người Việt thì có 2 người "đu" trend ẩm thực đường phố.
Báo cáo cũng chỉ ra cà phê muối chiếm vị trí số 1 trong các ẩm thực xu hướng mới năm 2023, với 34,8% người lựa chọn. Tiếp nối là trà mãng cầu, với 19,5% đáp viên yêu thích.
Gây nhiều tiếc nuối nhất là bánh đồng xu, với chỉ 9,8% thực khách yêu thích nhất. Để mở bán món ăn này, chủ đầu tư cũng cần bỏ ra số tiền không hề nhỏ để đầu tư thiết bị sản xuất (khoảng 4-6 triệu đồng/máy làm bánh đồng xu) và nhập nguyên vật liệu khá đắt tiền (tiêu biểu là phô mai mozzarella). Tuy vậy, trào lưu này không kéo dài lâu.
Theo nhiều báo cáo, các trào lưu trên nhiều lần "chiếm sóng" trên mạng xã hội. Ví dụ, món đồ uống trà chanh giã tay đã chiếm lĩnh ngôi vị cao nhất bảng xếp hạng Social Trend Ranking mảng ăn uống trong 10 ngày liên tục từ ngày 9 đến 19/11/2023, theo Younet Media.
Tính tới 19/11/2023, trà chanh giã tay đã thu hút hơn 80.000 lượt thảo luận, gần 1 triệu tương tác và hơn 55.000 người tham gia thảo luận trên mạng xã hội.
Hay món mì tôm thanh long cũng kéo nhiều thương hiệu F&B nổi tiếng hưởng ứng. Đã có hơn 30 thương hiệu nhanh chóng hòa nhập xu hướng, tiêu biểu như màn "bắt trend" pizza thanh long của The Pizza Company, sữa tắm thanh long và tuyết mai của Lifebuoy, hạt nêm thanh long của Knorr...
Khó khăn về kinh tế được chỉ ra không làm ảnh hưởng thói quen "đi café" của người Việt. Hơn 42% người Việt cho biết đi café 1-2 lần một tháng, 30% đi với tần suất 1-2 lần một tuần, tăng gần 10% so với năm 2022. Mức chi tiêu phổ biến nhất cho mỗi lần đi café là 41.000-70.000 đồng. Những cặp đôi đang hẹn hò tích cực đi café hơn những người có gia đình, với tần suất nhiều gấp 4 lần.
Theo đó, năm 2023, số lượng người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ẩm thực bên ngoài khá cao, có tới 17,1% người được khảo sát cho biết ra ngoài ăn hàng ngày; 28,9% người thừa nhận ra ngoài ăn 3 - 4 lần/tuần, trong khi con số này vào năm 2022 chỉ ghi nhận 17,9%.
Theo số liệu của Tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor, giá trị thị trường ngành F&B Việt Nam năm nay dự kiến sẽ tăng 10,92% so với 2023. Sau khi hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2023 - 2027 đạt 10,25% và dự kiến đạt giá trị 872.916 tỷ đồng năm 2027.
Đáng chú ý, trong năm qua, 80% doanh nghiệp báo cáo có kết quả kinh doanh tốt. Sức khỏe doanh nghiệp phục hồi và đủ nguồn lực để phát triển trong tương lai gần. Trong số 2.255 đơn vị phản hồi có tình hình kinh doanh tốt, hơn 51,7% các cửa hàng ăn uống có dự định mở rộng quy mô. Tuy nhiên, vẫn còn gần 33,5% đơn vị không có nhu cầu này. Một vài lý do cho rằng doanh nghiệp đang hài lòng với tình hình kinh doanh hiện tại, hay lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn khi mở rộng.
Huyền My (t/h)Ngày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".