7 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 2022
Trong năm 2021, tín dụng toàn ngành kinh tế tăng trưởng 13,53%, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là ở nhóm công nghiệp hỗ trợ với hơn 21,5%.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối năm 2021, tín dụng nền kinh tế đã tăng trưởng 13,53% so với cuối năm 2020. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được quản lý chặt chẽ.
Theo đó, đến cuối năm 2021: (i) Tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản ước tăng 8,68%; tín dụng ngành công nghiệp và xây dựng ước tăng 13,7%; tín dụng ngành thương mại và dịch vụ ước tăng 14,1%; (ii) Tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 13,5%; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ước tăng 11,98%; tín dụng xuất khẩu ước tăng 13,32%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ ước tăng 21,52%; tín dụng cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước tăng 19,2%.
Riêng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã được TCTD cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,6 triệu tỷ đồng cho trên 1,32 triệu khách hàng.
Trong năm 2022, để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%, trên tinh thần bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế, NHNN sẽ chú trọng triển khai một số giải pháp điều hành tín dụng, cụ thể:
Một là, điều hành linh hoạt các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.
Hai là, tiếp tục đánh giá hoạt động tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, vai trò, khả năng phục hồi, phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế để chỉ đạo các TCTD có chính sách ưu tiên, hỗ trợ và tập trung tín dụng nhằm góp phần khôi phục và phát triển kinh tế. Phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ba là, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và thiên tai.
Bốn là, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế "tín dụng đen"; tiết giảm chi phí hoạt động, tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực.
Năm là, đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số) theo Quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động chính sách tại NHCSXH.
Sáu là, phối hợp các bộ, ngành trong xây dựng và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong giai đoạn 2022 - 2023.
Bảy là, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực phù hợp với thực tế.
Thanh BìnhMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.