7 hiệp hội đồng kiến nghị lùi thời gian thu phí cảng biển tại TP.HCM
7 hiệp hội cho rằng mức thu phí cảng biển tại TP.HCM dự kiến từ 1/4 là chưa hợp lý và kiến nghị dời đến hết 31/12 để doanh nghiệp tránh rơi vào khó khăn, kiệt quệ.
Ngày 3/3, 7 hiệp hội doanh nghiệp (Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM) đã kiến nghị giãn thời gian và mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP.HCM.
Theo các hiệp hội, nửa năm 2021, nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh, trong khi phải chi trả nhiều khoản chi như lương cho công nhân, lãi vay ngân hàng, chi phí tồn kho, lưu kho... do không xuất khẩu, bán được hàng.
Tháng 10/2021, thành phố mở cửa trở lại nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động cầm chừng vì thiếu công nhân, nguyên liệu và chuỗi cung ứng bị đứt gãy... Đến đầu năm nay, doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa" vì cước vận tải biển tiếp tục tăng cao, chi phí xăng dầu, giá nguyên liệu đều tăng...
Do đó, các doanh nghiệp cho rằng, nếu TP.HCM quyết thu phí cảng biển ngày 1/4/2022, doanh nghiệp sẽ kiệt quệ. "Thời điểm này, thành phố chưa nên triển khai thu các loại phí nói trên cho đến hết 31/12/2022 để hỗ trợ doanh nghiệp", 7 hiệp hội đề xuất.
Ngoài đề xuất lùi thời gian triển khai, các hiệp hội cũng chỉ ra nhiều bất cập trong việc thu phí của TP.HCM. Trong đó, mức phí áp dụng được cho là chưa công bằng, phù hợp, tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính, ách tắc trong thực hiện.
Cụ thể, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các lô hàng mở tờ khai hải quan ngoài TP.HCM phải chịu mức phí cao gấp đôi đối với các lô hàng mở tờ khai hải quan tại thành phố. Điều này là chưa phù hợp, do sẽ dẫn đến biến động lớn về việc dịch chuyển mở tờ khai hải quan ở tỉnh về TP HCM càng nhiều, gây quá tải số tờ khai nộp tới Hải quan TP.HCM và khiến cán bộ hải quan thành phố quá tải trong xử lý công việc, gây ách tắc việc khai báo, dẫn đến chậm tiến độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Mức phí áp dụng đối với hàng gửi ở kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng rất cao so với các mức phí của hàng xuất nhập khẩu. Ví dụ, kho ngoại quan đang trữ nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu phục vụ gia công xuất khẩu nhưng bị áp phí sử dụng hạ tầng cảng biển rất cao; mức phí áp đối với container cao gấp 8,8 lần và hàng lỏng, hàng rời là 3,3 lần so với mức phí tương ứng của lô hàng xuất khẩu khẩu mở tờ khai tại thành phố.
Trong văn bản kiến nghị lần này, 7 hiệp hội ngành hàng còn cho biết các lô hàng xuất khẩu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu phải đóng phí 2 lần.
Hiện hầu hết các doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu đều có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, gia công hàng và tái xuất thành phẩm, và như vậy doanh nghiệp sẽ phải chịu hai lần phí, một lần cho container hàng nhập khẩu và một lần cho container hàng xuất khẩu. Do đó, việc thu phí này chưa phù hợp khi doanh nghiệp đang phải trả rất nhiều chi phí phục vụ mục tiêu xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng của các địa phương, đồng thời đi ngược lại chủ trương chung của Chính phủ thúc đẩy việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, duy trì việc làm cho người lao động.
Hiện nay, một lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu đang tập trung tại các cảng biển của TP HCM. Các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam. Quy định thu phí mới này của TP.HCM sẽ gia tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải vật lộn để duy trì sản xuất, khắc phục khó khăn, do khủng hoảng kinh tế vì dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát khắp toàn cầu.
Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng kiến nghị điều chỉnh các mức thu giảm xuống theo hướng công bằng và áp dụng chung một mức thu là 250.000 đồng/container đối với container 20ft; 500.000 đồng/container với container 40ft. Mức thu 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container cho tất cả các lô hàng xuất nhập khẩu, lô hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng như địa điểm đăng ký mở tờ khai cho lô hàng.
HM (T/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.