7 nguyên nhân khiến tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu nại gay gắt, kéo dài tại các toà nhà chung cư

Mới đây, Bộ Xây dựng tổng kết có 7 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu nại gay gắt, kéo dài tại nhiều chung cư. Một trong những nguyên nhân đó là do chủ đầu tư đã tự ý thay đổi công năng, mục đích sử dụng, lấn chiếm, sử dụng các phần thuộc sở hữu chung.

Bộ Xây dựng tổng kết có 7 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu nại gay gắt, kéo dài.

Thứ nhất, Bộ cho rằng do nhận thức pháp luật, cách thức, thái độ làm việc và sự hợp tác thiếu thống nhất giữa chủ đầu tư và Ban quản trị.

Thứ hai, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi công năng, mục đích sử dụng, lấn chiếm, sử dụng các phần thuộc sở hữu chung.

Thứ ba, chủ đầu tư chậm tổ chức hoặc tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu không thành công, nhưng không có văn bản đề nghị UBND cấp xã tổ chức.

Thứ tư là do chủ đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư không thống nhất được các phần diện tích, nhất là phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại, thiết bị thuộc sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở.

Thứ năm, chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị.

Thứ sáu, chủ đầu tư và Ban quản trị chưa quyết toán số liệu (gốc và lãi) kinh phí bảo trì, nhưng đã bàn giao. Ban quản trị đã nhận số tiền kinh phí bảo trì.

Thứ bảy, một số chính quyền cấp xã, cấp huyện xử lý chưa triệt để nhiều kiến nghị, tranh chấp tại nhà chung cư của địa phương mình.

Để chấn chỉnh và giải quyết tình trạng tranh chấp tại chung cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị chính quyền, các cơ quan chức năng, tổ chức và cá nhân tuyên truyền pháp luật về nhà ở, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trong đó chú trọng đến công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì.

Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần thực hiện quyền và trách nhiệm theo Luật Nhà ở; chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với công an trên địa bàn để xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định.

Bộ yêu cầu kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế và xử lý nghiêm chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị theo quy định…

Các Sở Xây dựng tiếp tục nâng cao vai trò, chức năng quản lý Nhà nước về nhà ở; tổ chức thanh tra chuyên ngành về nhà ở, trong đó tăng cường thanh tra quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì các nhà chung cư.

Trong quá trình thanh tra, phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì chuyển cơ quan điều tra cấp huyện, xã, ngoài nâng cao công tác quản lý Nhà nước về nhà ở trên địa bàn.

Đồng thời, Sở xây dựng cần kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, kiểm tra hồ sơ và ban hành Quyết định công nhận Ban quản trị nhà chung cư theo quy định.

Chủ đầu tư phải có trách nhiệm mở tài khoản thanh toán tại 1 tổ chức tín dụng để gửi có kỳ hạn đối với mỗi dự án đầu tư xây dựng nhà ở có nhà chung cư, để nhận kinh phí bảo trì do người mua, thuê mua nhà ở, phần diện tích khác và chủ đầu tư nộp theo quy định.

Sau khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng - nơi có dự án biết về tên tài khoản, số tài khoản đã mở, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản và kỳ hạn gửi tiền. Khi Ban quản trị được thành lập thì bàn giao ngay kinh phí bảo trì cho Ban quản trị theo quy định.

Sau khi bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm đóng tài khoản đã lập theo quy định, và phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng biết, để theo dõi.

Việc sử dụng kinh phí bảo trì phải bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch.

Phương Nga
Ý kiến của bạn
EU nâng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20% EU nâng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20%

Theo thông báo mới nhất tại EU, khu vực sẽ tăng tần suất kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20% tại biên giới.