7 tháng, cả nước thu hút hơn 18 tỷ USD vốn đầu tư FDI
18 tỷ USD là tổng số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký (FDI) vào Việt Nam trong 7 tháng qua. Số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam tăng lên 147.
Theo thống kế từ Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngoài góp vốn, mua cổ phần giảm, đầu tư mới và điều chỉnh vốn tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể, về vốn đăng ký mới, trong 7 tháng có 1.816 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 11,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,76 tỷ USD (tăng 35,6% so với cùng kỳ).
Về vốn điều chỉnh, có 734 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 0,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 4,97 tỷ USD (tăng 19,4% so với cùng kỳ).
Về góp vốn, mua cổ phần, 7 tháng qua có 1.795 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 3,1% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,27 tỷ USD (giảm 45,2% so với cùng kỳ).
Xét theo ngành, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,65 tỷ USD, chiếm 70,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 15,7% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 78% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 740,5 triệu USD và hơn 490,6 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,1%) và điều chỉnh vốn (chiếm 65,8%). Ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần cao nhất (chiếm 42,1%).
Theo đối tác đầu tư, đã có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,52 tỷ USD, chiếm gần 36,2% tổng vốn đầu tư, tăng 79,1% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, đầu tư của Singapore chủ yếu là đầu tư mới, chiếm 69,8% tổng vốn đầu tư của Singapore trong 7 tháng.
Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ hai với hơn 2,19 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,…
An Mai (t/h)Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.