7 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút hơn 15 tỷ USD vốn FDI

Đầu tư và Tiếp thị
01:27 PM 28/07/2022

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam thu hút được 15,41 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bằng 92,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới đạt 5,27 tỷ USD, giảm 43,5% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái; vốn góp mua cổ phần đạt 2,58 tỷ USD, tăng 25,7% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài điều chỉnh đạt 7,24 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài tăng mạnh, ước đạt gần 11,6 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ.

Việt Nam thu hút hơn 15 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - Ảnh 1.

Việt Nam thu hút hơn 15 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ảnh: Công Thương

Cụ thể, cả nước có trên 900 dự án được cấp mới (giảm 7,9% so với cùng kỳ) với tổng vốn đạt trên 5,7 tỷ USD (giảm 43,5% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, có gần 580 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 3,2% so với cùng kỳ). Ngoài ra, tổng vốn tăng thêm trong đạt trên 7,2 tỷ USD và tổng giá trị vốn góp đạt trên 2,6 tỷ USD.

Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư trên 3,21 tỷ USD, chiếm gần 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ: 526 triệu USD; thông tin truyền thông: 465 triệu USD...

Trong 7 tháng đầu năm 2022, có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến là Hàn Quốc với trên 3,3 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư; Đan Mạch: trên 1,32 tỷ USD, chiếm 8,5%...

Lý giải về nguyên nhân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới giảm, trong khi vốn đăng ký tăng thêm lại thêm mạnh trong 7 tháng, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, vốn đăng ký mới chưa phục hồi hoàn toàn sau gián đoạn của các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, cùng thời điểm năm ngoái, Việt Nam thu hút được nhiều dự án FDI đăng ký mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD. Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh tăng mạnh do có nhiều dự án điều chỉnh vốn có quy mô lớn.

"Vốn đầu tư điều chỉnh tăng cao, một mặt cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu. Mặt khác, phần nào phản ánh tác động của lạm phát, giá cả tăng cao do ảnh hưởng của các cuộc xung đột chính trị, thương mại trên thế giới", Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Tìm giải pháp phát triển cho doanh nghiệp, hợp tác xã tại làng nghề Hà Nội: Tìm giải pháp phát triển cho doanh nghiệp, hợp tác xã tại làng nghề

Trong tháng 5 tới, Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.