7 tháng năm 2023, Việt Nam chi 2,85 tỷ USD nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu
Trong 7 tháng năm 2023, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi gia súc và nguyên liệu về Việt Nam đạt trên 2,85 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 7/2023 tăng 27,2% so với tháng 6/2023 và tăng 12,3% so với tháng 7/2022, đạt 515,78 triệu USD.
Tính chung trong 7 tháng năm 2023 nhập khẩu nhóm hàng này đạt trên 2,85 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Argentina, chiếm 26,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 747,03 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó riêng tháng 7/2023 đạt 154,22 triệu USD, tăng mạnh 35,5% so với tháng 6/2023 nhưng giảm 4,5% so với tháng 7/2022.
Đứng thứ 2 là thị trường Brazil chiếm tỷ trọng 16,5%, đạt trên 471,43 triệu USD, giảm 25,8% so với cùng kỳ; riêng tháng 7/2023 nhập khẩu từ thị trường này đạt 148,6 triệu USD, tăng mạnh 62% so với tháng 6/2023 và tăng 142,5% so với tháng 7/2022.
Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ trong tháng 7/2023 nhập khẩu tăng 18% so với tháng 6/2023 và tăng 18,2% so với tháng 7/2022, đạt 74,23 triệu USD; cộng chung cả 7 tháng năm 2023 nhập khẩu từ thị trường này tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022; đạt 417,88 triệu USD, chiếm 14,7% trong tổng kim ngạch.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ thị trường EU trong 7 tháng năm 2023 giảm 27,2% so với 7 tháng đầu năm 2022, đạt 191,65 triệu USD; nhập từ thị trường Đông Nam Á giảm 18%, đạt 182,65 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thức ăn gia súc của cả nước trong 7 tháng năm 2023 đạt 652,98 triệu USD, giảm 5,3% so với 7 tháng năm 2022.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Trung Quốc – thị trường lớn nhất, tháng 7/2023 tăng 48% so với tháng 6/2023 và tăng 150,3% so với tháng 7/2022, đạt 71,62 triệu USD, tính chung kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này 7 tháng năm 2023 đạt 312,49 triệu USD, tăng 12,9% so với 7 tháng năm 2022, chiếm 47,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Campuchia – thị trường lớn thứ 2 trong 7 tháng năm 2023 tăng 4,8% so với cùng kỳ, đạt 101,61 triệu USD, chiếm 15,6% trong tổng kim ngạch. Thị trường Malaysia xếp thứ 3 về kim ngạch, đạt 62,46 triệu USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường FTA-RCEP trong 7 tháng năm 2023 tăng 5,2% so với cùng kỳ, đạt 5444,26 triệu USD, chiếm 83,4% trong tổng kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường CPTTP tăng 4,5% so với cùng kỳ, đạt 76,74 triệu USD, chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ, đạt 202,75 triệu USD, chiếm 31%.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác kiểm tra Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu và thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước, Cục Chăn nuôi cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao và đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.
Đồng thời, triển khai công tác quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, kiểm soát sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Tăng cường giám sát quản lý chất lượng vật tư lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là kiểm soát an toàn thực phẩm.
Tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan tiến hành xử lý các vụ việc vi phạm về chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi…
Huyền My (t/h)Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.