7 tháng, thanh tra ngành Tài chính thực hiện gần 40.000 cuộc thanh tra, kiểm tra
Trong 7 tháng năm 2023, hệ thống thanh tra Bộ Tài chính thực hiện 39.511 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 49.478,8 tỷ đồng và thu nộp ngân sách 9.754,7 tỷ đồng.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy trong 7 tháng của năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ thực hiện 39.511 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 427.105 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và 611 hồ sơ kiểm tra sau thông quan.
Bộ Tài chính cho biết toàn hệ thống thuế thực hiện 38.224 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 427.105 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế.
Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ kiến nghị xử lý tài chính 49.478,8 tỷ đồng; trong đó, kiến nghị thu hồi nộp 13.088,8 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 33.349,9 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 3.040 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước trong kỳ là 9.754,7 tỷ đồng.
Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 43.349 tỷ đồng; trong đó, tiền truy thu, truy hoàn là 7.335 tỷ đồng; giảm lỗ, giảm khấu trừ là 33.084 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2.930 tỷ đồng. Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước là 7.276 tỷ đồng.
Cơ quan Hải quan thực hiện 97 cuộc thanh tra chuyên ngành gồm 21 cuộc từ kỳ trước chuyển sang và 76 cuộc triển khai trong kỳ.
Kết quả tổng số tiền kiến nghị truy thu là 79.405 triệu đồng, trong đó kiến nghị về thuế 69.136 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính là 10.269 triệu đồng. Số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước là 152.600 triệu đồng.
Thời gian qua, ngành thuế đã triển khai kịp thời những chính sách hỗ trợ người nộp thuế theo quy định của Chính phủ; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm về thuế. Bên cạnh đó, công tác quản lý hoàn thuế được triển khai, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trong lĩnh vực hải quan, kho bạc, dự trữ nhà nước, chứng khoán... cũng triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra được phê duyệt.
Đặc biệt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường giám sát hoạt động tổ chức kinh doanh chứng khoán; tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định... Bên cạnh đó còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả tại một số vụ việc như: đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn với nhiều trường hợp vi phạm quy định về giao dịch của người nội bộ và người có liên quan; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính, buộc hủy bỏ thông tin đối với các trường hợp tổ chức công bố thông tin sai lệch...
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước siết chặt các biện pháp khắc phục hậu quả tại một số vụ việc; tăng cường rà soát chặt chẽ việc phát hành của các công ty đại chúng, công ty niêm yết; triển khai kiểm tra hoạt động công ty đại chúng, tổ chức kiểm toán theo kế hoạch đã được phê duyệt; giám sát tình hình thực hiện nghĩa vụ báo cáo công bố thông tin của các công ty đại chúng, đồng thời phối hợp với các sở thực hiện rà soát nghĩa vụ công ty đại chúng.
Huyền My (t/h)“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.