72 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Theo thống kê từ Hội đồng tư vấn các biện pháp phòng vệ thương mại VCCI, đến hết tháng 6/2024, đã có 72 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Mới đây, Bộ Công Thương thông tin, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, mặc dù có ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.
Bộ Công Thương cho biết: Điều này có nghĩa doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ sẽ còn tiếp tục đối mặt với các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đồng thời chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng "giá trị thay thế" của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.
Trên thực tế, sau gần 40 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng từ khoảng 4 tỷ USD khi bắt đầu đổi mới, lên hơn 430 tỷ USD năm 2023. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Một số sản phẩm của Việt Nam bước đầu khẳng định thương hiệu và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thứ hạng của Việt Nam trong tất cả bảng xếp hạng quan trọng của quốc tế đều được cải thiện. Chỉ số về trình độ phát triển của thị trường Việt Nam tăng 12 bậc so với năm 2020, từ vị trí thứ 34 lên vị trí thứ 22. Các nhóm chỉ số về thương mại, đa dạng hóa và quy mô thị trường tăng từ vị trí thứ 49 lên vị trí thứ 15; chỉ số đa dạng hóa các ngành trong nước xếp thứ hạng 9/134 nước.
Thị trường tài chính, tiền tệ phát triển khá mạnh và sôi động. Bên cạnh kênh huy động vốn từ ngân hàng, thị trường chứng khoán đã hình thành, góp phần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Tỷ giá đồng tiền, giá ngoại tệ, giá vàng cơ bản giữ được ổn định.
Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 40 - 43% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, góp phần quan trọng trong huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước
Quan hệ kinh tế đối ngoại đã có bước phát triển nhanh, thúc đẩy các hoạt động xuất, nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giúp cho nền kinh tế từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh.
Theo thống kê từ Hội đồng tư vấn các biện pháp phòng vệ thương mại VCCI, đến hết tháng 6/2024, đã có 72 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Các tổ chức quốc tế đều ghi nhận những bước tiến vượt bậc của kinh tế Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao.
Trong đó, có những nền kinh tế lớn như Trung Quốc (2004); Nga và các thành viên ASEAN (2007); Úc, New Zealand (2008); Ấn Độ, Hàn Quốc (2009); Nhật Bản (2011); các thành viên của Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu EFTA như Na Uy, Thụy Sỹ (2012); Canada (2016) và Vương quốc Anh (2023)…
Trong khi đó, Mỹ vẫn coi Việt Nam là 1 trong 12 nước có nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Belarus, Uzbekistan, Armenia, Azerbaijan, Georgia, Kyrgyz, Moldova, Tajikistan và Turkmenistan.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Minh An (t/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.