75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ: Tri ân những thế hệ đã không tiếc máu xương vì Tổ quốc
Khi Đảng ta ra đời, ánh sáng của Đảng như ngọn hải đăng soi đường cho dân tộc ta giành được thắng lợi vẻ vang và tiếp bước đi trên con đường xã hội chủ nghĩa. Trước đó, dân tộc ta đã trải qua gần một trăm năm trong màn đêm nô lệ của thực dân Pháp. Thời bấy giờ, dưới sự lãnh đạo của các chí sĩ yêu nước, Nhân dân ta đã vùng lên mong muốn bẻ gãy ách xiềng xích của thế lực xâm lược ngoại bang để giành lấy giang sơn gấm vóc, nhưng hầu như các cuộc khởi nghĩa đều bị thất bại.
Sau mười bốn năm Đảng ta ra đời, quân đội ta được thành lập với tên gọi: "Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân". Từ một đội quân ban đầu chỉ có ba mươi tư cán bộ chiến sĩ đã nhanh chóng trưởng thành và lập nên những chiến công vang dội trong cuộc cách mạng chống ngoại xâm, đem lại tự do cho dân tộc…
Thực tiễn đã minh chứng: trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có những binh đoàn chủ lực, thiện chiến với tài thao lược quân sự và nghệ thuật chiến tranh nhân dân đã đánh thắng những đội quân nhà nghề với những cỗ máy chiến tranh khổng lồ để rồi làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Cũng đội quân ấy với sức mạnh tổng hợp của nghệ thuật chiến tranh nhân dân đã làm nền tảng vững chắc cho cuộc kháng chiến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đât nước mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử.
Từ ngày thành lập cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thông nhất đất nước, trong suốt ba mươi mốt năm trường, chưa kể những tháng năm chiến đấu ác liệt ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc… những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng như quân giải phóng miền Nam đã trải qua những thời kì gian khổ hi sinh, lớp lớp tuổi trẻ đã vĩnh viễn nằm lại nơi xảy ra những cuộc chiến đấu một mất một còn hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường khói lửa… Máu đào của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã tô thắm lá cờ của Tổ quốc Việt Nam và đã viết nên những trang sử hào hùng của một Tổ quốc Việt Nam: "Tạc vào thế kỉ…"; "…Ơi anh giải phóng quân, tên anh đã thành tên đất nước/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân…".
Với ý nghĩa to lớn, sâu sắc đó, từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng và Bác Hồ đã có những chủ trương, chính sách hết mực quan tâm đến các gia đình thương binh liệt sĩ. Những ngày đầu của năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (thuộc tỉnh Bình Trị Thiên thời bấy giờ). Và từ đó, tình thương yêu, giúp đỡ những chiến sĩ bị nạn, bị thương đã lan truyền đến các địa phương trên cả nước. Từ Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời đến Hội giúp binh sĩ bị thương và ở Trung ương có Tổng Hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội. Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức kí Sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất của tử sĩ. Đây là một văn bản pháp quy thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với những người, những gia đình có công với Cách mạng.
Tháng 6/1947, tại cuộc họp ở Đại Từ, Bắc Thái của Tổng bộ Việt Minh và các Tổ chức ở Trung ương, cuộc họp này các đại biểu đã thống nhất chọn ngày 27/7 là ngày "Thương binh toàn quốc". Đến tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đổi ngày "Thương binh toàn quốc" với tên gọi là "Ngày Thương binh - Liệt sĩ".
Sau ngày thống nhất Tổ quốc, giang sơn thu về một mối, ngày 8/7/1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 223/CT-TW. Và từ đó, ngày 27/7 hàng năm được gọi chính thức là "Ngày Thương binh - Liệt sĩ" của cả nước.
Từ đó đến nay, phát huy truyền thống vẻ vang, tinh thần tương thân tương ái, tình nghĩa sâu nặng với đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, nên Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm sâu sắc đến chính sách thương binh, liệt sĩ. Phong trào đã lan tỏa từ miền núi đến đồng bằng, từ thành phố đến nơi hải đảo xa xôi… Những ngôi nhà tình nghĩa mọc lên, những con đường thân thương, những món quà quý giá ý nghĩa, những nguồn động viên to lớn về tinh thần cũng như vật chất của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đã đến với những hoàn cảnh cá nhân, gia đình thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ v.v phần nào đã làm vơi đi nỗi mất mát đau thương mà các thế hệ đi trước đã từng hi sinh, cống hiến.
Từ năm 1992 đến nay, công tác tìm kiếm, quy tập mộ và hài cốt của các liệt sĩ đã được Đảng bộ, chính quyền các địa phương trên cả nước chú trọng…! Những ngôi mộ vô danh, những liệt sĩ hi sinh trên các chiến trường đã được trân trọng đón về các nghĩa trang với niềm biết ơn vô hạn. Những công trình nghĩa trang liệt sĩ sừng sững mọc lên ở các địa phương trên cả nước mang dáng đứng hiên ngang của các chiến sĩ trước quân thù.
Nhân kỉ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, với cảm xúc của một người cầm bút, tôi viết những dòng tri ân này xin gửi đến các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng, các Thương, Bệnh binh, những Người có công và các thế hệ Thanh niên xung phong, xin thắp nén tâm nhang gửi tới anh linh các Anh hùng liệt sĩ, những Người đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, đem lại mùa xuân xanh tươi cho Tổ quốc Việt Nam.
Dương Chí SỹCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.