76% người dùng cài đặt sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền
Theo kết quả khảo sát của Cốc Cốc, 76% người dùng đã cài đặt xác thực sinh trắc học. Cứ 2 người thì có 1 người đã cài đặt thành công sinh trắc học trên tất cả các ứng dụng ngân hàng đang sử dụng.
Theo báo cáo “Người dùng thích ứng ra sao đối với xác thực sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền trực tuyến?” do trình duyệt Cốc Cốc vừa công bố, tỉ lệ người dùng được tiếp cận các thông tin về xác thực sinh trắc học vẫn duy trì hơn 90%, sau 1 tháng thực hiện quy định.
Có 76% người dùng được khảo sát đã thực hiện cài đặt xác thực sinh trắc học, bao gồm cả thực hiện thành công và chưa thành công. Trong đó cứ 2 người thì có 1 người đã cài đặt thành công sinh trắc học trên tất cả các ứng dụng ngân hàng đang sử dụng.
Đặc biệt, tỉ lệ người dùng đã thực hiện thành công tất cả ngân hàng đang sử dụng đã tăng 8% so với thời điểm trước đó (khoảng một tuần kể từ ngày 1/7). Tỉ lệ này hiện đang cao nhất ở nhóm 35 - 44 tuổi với 56%.
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là 2 khu vực có tỷ lệ cài đặt thành công cao nhất. Khu vực miền Trung có tỷ lệ xác thực thành công tăng cao nhất với mức tăng 11% so với thời điểm sau gần một tuần áp dụng quy định.
Kết quả khảo sát cho thấy trải nghiệm xác thực ngày càng dễ dàng hơn với phần lớn người dùng. Cụ thể có tới 45% người dùng đánh giá quá trình thu thập là dễ dàng/rất dễ dàng, tăng thêm 7% so với khảo sát trước đó. Đồng thời tỉ lệ người dùng cảm thấy khó khăn giảm từ 31% còn 22%.
Theo khảo sát diện rộng, “Khó nhận diện khuôn mặt”, “Thiết bị không tương thích” là những vấn đề gây ảnh hưởng đến trải nghiệm xác thực của người dùng với tỉ lệ gia tăng. “Không đọc được NFC”, “Khó chụp CCCD/ đọc mã QR”, “Bắt buộc cập nhật thông tin CCCD ở ngân hàng” là những vấn đề đã dần được khắc phục khi có tỉ lệ giảm hơn so với thời điểm trước đó.
72% người dùng đồng ý xác thực sinh trắc học giúp an toàn hơn khi giao dịch trực tuyến, tăng 4% so với thời điểm khảo sát trước đó.
Tuy vậy, vẫn có 41% người dùng lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân khi xác thực sinh trắc học. 30% - 50% người dùng lo lắng về những rủi ro khi cung cấp thông tin cá nhân cho ngân hàng. Trong đó, vấn đề liên quan đến chiếm đoạt, mất tiền trong tài khoản được đặt lên hàng đầu. Người dùng trẻ tuổi và phụ nữ đặc biệt lo lắng về bẫy lừa đảo trong quá trình thực hiện giao dịch trực tuyến.
Nhìn chung, người dùng đã dần quen và thích nghi hơn với biện pháp bảo mật mới. Những khó khăn trong quá trình cài đặt đã dần được cải thiện. Tuy vậy, trong bối cảnh khi các vụ lừa đảo trực tuyến đang diễn ra ngày một tinh vi và phức tạp hơn, người dùng vẫn còn đó những quan ngại, lo lắng trước những rủi ro về an toàn thông tin có thể gặp phải.
An Mai (t/h)TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng là 5 địa phương có quy mô kinh tế (GRDP) lớn nhất cả nước trong 2024.