8 biện pháp trọng tâm hạn chế ca tử vong do COVID-19

Sức khỏe
10:28 AM 03/12/2021

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 2/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã trả lời câu hỏi về việc thời gian qua dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều ca nhiễm và tử vong tăng ở các địa phương, vậy Chính phủ, Bộ Y tế có chiến lược điều phối hỗ trợ như thế nào ở các địa phương có nhiều ca tử vong do COVID-19?

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, hiện tại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao, số ca tử vong cũng có chiều hướng tăng lên. Theo Thứ trưởng, qua phân tích, hầu hết các ca tử vong do COVID-19 đều ở nhóm người trên 50 tuổi và có bệnh nền.

Thứ trưởng Bộ Y tế nêu 8 biện pháp trọng tâm hạn chế ca tử vong do COVID-19 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời báo chí (Ảnh: VGP)

Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp cụ thể để giảm số ca tử vong do COVID-19, trong đó Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đã nhấn mạnh đến 8 biện pháp trọng tâm.

Thứ nhất, quan tâm theo dõi người có bệnh nền, tuổi nguy cơ cao trên 50 tuổi, phân tầng điều trị phù hợp.

Thứ hai, các bệnh viện thực hiện đánh giá phân loại nguy cơ theo dõi sát bệnh nhân, Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân loại cụ thể, dễ thực hiện.

Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có số ca nặng tăng cao. Bộ trưởng Y tế đã có Quyết định 5500/QĐ-BYT ngày 30/11 về phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị COVID-19 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ tư, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường, giảm nguy cơ lây nhiễm tới các nhân viên y tế, nhiễm khuẩn bệnh viện…

Thứ năm, kích hoạt lại trung tâm hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 từ xa.

Thứ sáu, các địa phương cử người có năng lực, trực tiếp chỉ đạo thực hiện thu dung một cách thích hợp, tránh chuyển tầng quá sớm. Nếu chuyển tầng quá sớm thì quá tải, còn quá muộn lại tăng nguy cơ tử vong, nên cần thiết phải chuyển tầng theo đúng hướng dẫn phân loại của Bộ Y tế.

Thứ bảy, cần xây dựng hệ thống giám sát nguyên nhân tử vong do COVID-19.

Cuối cùng, Bộ Y tế đã có công điện tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19, trong đó, nêu cụ thể từng biện pháp tại các tỉnh, thành phố, bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế nêu 8 biện pháp trọng tâm hạn chế ca tử vong do COVID-19 - Ảnh 2.

Về việc tiêm vắc xin mũi thứ 3, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, tính đến ngày 1-12, Bộ Y tế đã tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng hơn 120 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi, trong đó đã có hơn 94% người được tiêm ít nhất 1 liều và gần 68% người tiêm đủ 2 liều.

Ngày 1/12, Bộ Y tế ban hành văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Cục Y tế (Bộ Công an); Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại.

"Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, theo khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vắc xin của các nước, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, TP, các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên"- ông Thuấn cho hay.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, loại vắc xin nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA. "Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véctơ virus (Astrazeneca)"- ông Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Về khoảng cách, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung. Vắc xin sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại là vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt. Liều lượng vắc xin để tiêm bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.

HM (t/h)
Ý kiến của bạn
Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34%

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tín dụng tháng 3/2024 đã tăng trở lại sau 2 tháng đầu năm giảm do yếu tố quy luật. Tính đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.