8 tháng năm 2022, cả nước xuất siêu gần 4 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
10:40 AM 05/09/2022

Dấu hiệu phục hồi của kinh tế Việt Nam ngày càng rõ nét khi xuất khẩu 8 tháng năm 2022 tiếp tục tăng cao, số mặt hàng xuất khẩu tỷ USD giữ vững đà tăng trưởng, giúp cán cân thương mại duy trì xuất siêu, đạt gần 4 tỷ USD.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy: Trong tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh. Trong 8 tháng năm 2022, khu vực kinh tế trong nước đã có sự hồi phục mạnh mẽ sau một thời gian dài chịu tác động của đại dịch COVID-19, đạt mức tăng cao hơn so với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 66,14 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 184,66 tỷ USD, tăng 17%, chiếm 73,6%.

8 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất siêu gần 4 tỷ USD - Ảnh 1.

Ảnh: Tổng cục Thống kê

Trong 8 tháng có một số mặt hàng ước đạt giá trị xuất khẩu cao như: điện thoại và linh kiện đạt 39,6 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện đạt 36,1 tỷ USD, tăng 13,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 29,8 tỷ USD, tăng 28%; hàng dệt may đạt 26 tỷ USD, tăng 23,1%; giày dép đạt 16,5 tỷ USD, tăng 30,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,1 tỷ USD; tăng 6,2%.

Đối với nhóm nông, lâm, thuỷ sản, trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 24,1 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Thủy sản đạt 7,5 tỷ USD, tăng 35,5%; cà phê đạt 2,8 tỷ USD, tăng 39,6%; gạo đạt 2,3 tỷ USD, tăng 8,5%; cao su đạt 2 tỷ USD, tăng 8,1%; sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 941 triệu USD, tăng 22,4%; hạt tiêu đạt 712 triệu USD, tăng 8,3%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, bằng cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6%, giảm 0,7 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 3%, tăng 0,4 điểm phần trăm

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng vừa qua, với kim ngạch ước đạt 77,7 tỷ USD, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 34,3 tỷ USD, tăng 2,7%. Ngoài ra, thị trường EU đạt 31,9 tỷ USD, tăng 23,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 27%; Hàn Quốc đạt 16,4 tỷ USD, tăng 15,9%; Nhật Bản đạt 15,5 tỷ USD, tăng 16,6%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 30,96 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 8/2022 của cả nước ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).

Theo Tổng cục Thống kê, để đạt được các chỉ tiêu đề ra trong năm nay, các bộ ngành cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới; đẩy mạnh xúc tiến thương mại cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hàng nông sản; tổ chức các hoạt động kết nối cấp vùng miền nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa. 

Các bộ, ngành tiếp tục theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, dự báo thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, chính sách, tập quán buôn bán của các thị trường để Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả. Chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện kinh tế, chính trị, quân sự trên thế giới đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp cải thiện nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thương trường quốc tế và đóng góp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế cũng như sự phát triển bền vững của nền ngoại thương Việt Nam.

Minh An
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.